Như PLO đã thông tin, mới đây một cô gái tố đã bị một thanh niên lạ mặt xin quay phỏng vấn khi đang đi du lịch tại Đà Lạt. Tuy nhiên, sau đó, thanh niên này đã về cắt ghép clip, lồng giọng đọc của một người khác với nội dung phân biệt người đi xe số và xe tay ga nhằm mục đích tạo nên nhiều luồng dư luận phản ứng, làm tăng độ phổ biến, tương tác và lượt chia sẻ video.
P.N, cô gái bị cắt ghép nội dung trong đoạn clip bức xúc: “Sau khi xem lại, biết đoạn clip đã bị cắt ghép tôi cảm thấy oan ức và phẫn nộ với hành vi làm nội dung bẩn, lợi dụng người khác một cách trắng trợn để thu hút lượt tương tác như vậy. Tôi cơ bản không nói được giọng miền Nam. Tôi đã cố gắng liên lạc đến chủ kênh H.M để tìm cách giải quyết nhưng chỉ nhận lại sự phớt lờ. Không những thế, khi biết được tài khoản facebook cá nhân của tôi, người này đã chia sẻ lên MXH, khiến rất nhiều người tìm vào dùng nhiều lời lẽ xúc phạm công kích tôi. Tôi gửi đơn trình báo vì không muốn những bạn nữ khác sau này cũng như tôi, và mong muốn chủ kênh H.M công khai xin lỗi và đính chính thông tin cho chính tôi và cho những bạn nữ khác".
Hiện P.N đã gửi đơn đến công an TP Huế để trình báo về việc này.
P.N, cô gái bị cắt ghép nội dung trong đoạn clip phân biệt người đi xe số và xe tay ga |
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên những video clip với nội dung bẩn như thế này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người đã cố tình tạo dựng những nội dung với chủ đề nhạy cảm như “bạn thích tư thế nào nhất”, “thích của đàn ông to hay dài”,… chỉ để câu view, câu tương tác từ người xem.
Trong một video clip trên trang Facebook có tên H.M đăng ngày 27-4, với hơn 5,9 triệu lượt xem, hơn 86.000 lượt like, 13.000 bình luận với nội dung phỏng vấn một bạn nữ tại phố đi bộ (Hà Nội) với nội dung “Bạn thích tư thế nào nhất?”. Trong video phỏng vấn, bạn nữ này mặc dù tự xưng chỉ mới sinh năm 2004 nhưng lại tỏ ra rất hiểu biết về những chuyện 18+. Khi đứng trước câu hỏi này, bạn nữ cũng không ngại ngần chia sẻ những “trải nghiệm” của mình liên quan đến tình dục và sử dụng những từ ngữ nhạy cảm, khiến người xem cũng cảm thấy khó chịu.
Cô gái trả lời hỏng vấn trong clip “Bạn thích tư thế nào nhất?" bị nhiều người "ném đá". |
Dưới phần bình luận, không ít người bày tỏ sự phẫn nộ dành cho cô gái. Một tài khoản có tên L.P.K.M bình luận: “Chán! ko biết nói gì luôn thật sự”, hay một tài khoản có tên N.H.T có ý kiến: “Đói content đến mức ấy cơ à!”. Đến hiện nay, bài viết này vẫn tồn tại trên mạng xã hội.
Trong một trang khác, một youtuber cũng thường xuyên đăng tải nhiều clip với nội dung có phần ngớ ngẩn, và đối tượng trong video thường là các bạn nữ ưa nhìn, xinh xắn để thu hút người xem.
Mô tuýp chung của các video kiểu này đầu tiên là nhân vật nam sẽ tạo dựng một tình huống ngớ ngẩn với đối tượng là các bạn nữ ưa nhìn, xinh xắn, sau đó là trò chuyện làm quen và cuối cùng là xin thông tin của các bạn nữ đó. Những video này đều sẽ được một người khác đứng từ xa ghi hình lại, nhiều bạn trẻ vì ngại phải từ chối nên cứ trả lời phỏng vấn, và cuối cùng là đưa thông tin, hình ảnh của mình cho người đối tượng đó.
Những nội dung bẩn, rác thế này không thiếu trên mạng xã hội. Xuất phát điểm ban đầu là những video clip với nội dung ngớ ngẩn, mua vui, những clip này đã bị biến tướng thành các video phản cảm, hoặc dựng chuyện cắt ghép và tạo nội dung gây phẫn nộ trong cộng đồng.
Nạn nhân ở đây không chỉ là người bị lợi dụng để phỏng vấn, mà những người trẻ khi xem các clip này cũng dễ bị loạn các giá trị sống.
Theo điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022), hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đây là mức phạt dành cho tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì bị phạt ½ mức này (tứ là từ 5-10 triệu đồng). Mức phạt nàykhông thấm vào đâu so với những gì mà nạn nhân phải hứng chịu.
Vậy cách nào để không bị vô tình rơi vào vai nạn nhân như cô gái P.N nêu trên? Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Minh Tân - Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương (ATY) cho biết khi vô tình bị phỏng vấn bởi người lạ thì các bạn trẻ ngay lập tức làm theo trình tự 4 bước sau đây: Cần tìm hiểu mục đích, tìm hiểu nội dung, ra quyết định, có bằng chứng để bảo vệ mình.
Cụ thể, người được gợi ý trả lời phỏng vấn cần tư duy nhanh theo các bước:
- Hiểu rõ mục đích, tức là biết người hỏi là ai (đơn vị nào, cá nhân hay có tổ chức), hỏi nhằm mục đích gì...
- Hiểu về nội dung câu hỏi, tức là biết vấn đề được nhắc đến trong câu hỏi là gì, nó có mang tính chất đả kích, nhắm đến ai, đến vấn đề gì, mình có thích không, có phải chuyên môn của mình không, thậm chí là hỏi trong bối cảnh nào.
- Ra quyết định. Dựa vào 2 nội dung trên, bạn cần ra quyết định có nên trả lời hay không. Nếu có thì phải trả lời khôn khéo, rõ ràng, có bối cảnh chứ đừng trả lời đơn lẻ câu ngắn, tức là trả lời tròn câu cú, có bối cảnh để hạn chế bị cắt ghép, ví dụ đối với người lâu ngày không tắm thì em thấy họ thật bẩn thỉu, nhưng cũng tội cho họ vì họ không có điều kiện để tắm rửa vì cúp nước quá lâu ngày... thay vì chỉ nói bẩn thỉu (yếu tố dễ bị cắt ghép). Chính văn hoá nói cụt tạo điều kiện cho đối phương cắt ghép.
Nếu không trả lời hoặc đang trả lời nhưng phát hiện ra câu hỏi không phù hợp, không muốn tiếp tục hoặc muốn kết thúc thì nên từ chối thẳng.
- Cần có bằng chứng cho chính mình, ví dụ có thể nhờ bạn đi cùng quay hình ghi lại toàn bộ quá trình phỏng vấn, nhờ đó mình có bằng chứng nếu bị ghép tiếng hay cắt dựng.