“Các bạn ơi, hôm nay là đám tang của nghệ sĩ A, hãy để comment, subscribe kênh và chia sẻ để xem thêm video mới nhé”... Đó là những lời kêu gọi của các YouTuber bất chấp sự khó chịu của gia đình người đã khuất và quan khách đến tiễn đưa.
Gần đây những video chứa nội dung phản cảm xuất hiện tràn lan trên YouTube như thử thách một ngày làm chó, làm heo; thử thách ăn phân, ăn động vật đã chết vài ngày... Nổi cộm nhất là hai vụ việc đổ 200 quả trứng hay đổ cả thau nước mắm lên đầu mẹ để ăn mừng nhiều lượt người đăng ký kênh.
Thêm vào đó, nhiều video cổ súy cho những nội dung bạo lực, đánh đấm kiểu giang hồ, tự làm nhục bản thân, ăn thịt động vật quý, mua bán súng, vũ khí nguy hiểm. Thậm chí có những kênh còn cố tình hớ hênh, ăn mặc khiêu gợi để câu view.
Tôi không hiểu người ta lại tự hạ nhục bản thân bằng cách bắt chước động vật hay phơi bày cơ thể, bất chấp tính mạng và cả pháp luật chỉ vì muốn ngàn view, triệu view. YouTuber về bản chất là những người làm clip mang nội dung sáng tạo để chia sẻ cho cộng đồng. Vậy nhưng có một bộ phận các YouTuber lại sáng tạo ra những clip phản cảm, gây hại, lố bịch.
Tôi biết những đoạn video triệu view có thể mang về cho các chủ kênh số tiền lớn nhưng liệu họ có vui vẻ với số lợi trên khi nhận không ít lời chỉ trích của cộng đồng mạng.
Thời gian gần đây, Google cũng khá mạnh tay trong việc xóa sổ các kênh YouTube có nội dung không lành mạnh. Riêng YouTube đã có chính sách tắt tính năng kiếm tiền đối với các video, các nội dung và tiêu đề có nội dung phản cảm, bạo lực dù lượt xem lên đến hàng ngàn hay hàng triệu view. Đây là cách YouTube hạn chế những video mang tính tiêu cực.
Một con số không nhỏ là có đến 8.000 video độc hại đã bị ngăn chặn và gỡ bỏ trên YouTube theo yêu cầu của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019 sau quá trình làm việc với đại diện Google. Tuy nhiên, lượng video độc hại mới vẫn tăng lên từng giờ.
Điều đó cho thấy dù chính sách của YouTube có chặt chẽ như thế nào đi nữa thì vẫn không thể rà soát kịp thời hết tất cả video mang tính phản cảm thuộc về phạm trù đạo đức, chẳng hạn như chuyện YouTuber đổ trứng, đổ nước mắm lên đầu mẹ để câu view. Do đó, người xem có vai trò rất lớn trong việc ngăn chặn tình trạng này.
Mối tương tác giữa các YouTuber và người xem là mối quan hệ cung-cầu, có cầu mới có cung. Tâm lý người xem luôn cảm thấy tò mò, thích thú với những nội dung mới, độc, lạ và sẵn sàng nhấn chuột vào xem, thậm chí chia sẻ những nội dung xấu chỉ vì thỏa trí tò mò. Dù không có ý cổ súy, thậm chí người xem còn lên án các video câu view bẩn nhưng hành động nhấn chuột vào xem, chia sẻ các đoạn video xấu đã gián tiếp lan truyền những nội dung gây hại đến cộng đồng.
Nếu các YouTuber sản xuất ra các nội dung nhảm nhí, lố bịch mà không có người xem thì họ có làm nữa không? Chắc chắn là không. Vì thế, người xem chính là những người quyết định môi trường YouTube ở Việt Nam có lành mạnh hay không.
Trước một clip mới xuất hiện trên YouTube, tôi và bạn cần cân nhắc trước khi nhấn chuột!