Trong hai ngày 16 và 17-4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự tại TP Cần Thơ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, đặc biệt là yêu cầu giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Chồng chéo về giám định tử thi?
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ Thiều Quang Hùng cho biết trong công tác khám nghiệm tử thi giữa pháp y Sở Y tế và pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Cần Thơ chưa rõ ràng, phụ thuộc cơ quan trưng cầu. “Điều 12 Luật Giám định tư pháp quy định ở cấp tỉnh vừa có trung tâm pháp y, đồng thời cũng quy định Phòng Kỹ thuật hình sự có bác sĩ làm công tác giám định pháp y tử thi. Điều này dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo nhất định về chức năng, nhiệm vụ giữa hai lực lượng này” - ông Hùng cho hay.
Ông Hùng kiến nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham mưu đề xuất Quốc hội “xác định việc pháp y tử thi thuộc ngành y tế hay ngành công an. Đề nghị lực lượng giám định pháp y ở địa phương gộp thành một đầu mối, từ đó tập trung đầu tư phát triển, tránh tình trạng đầu tư tràn lan gây lãng phí con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị...”.
Ông Hồ Bảy, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ, cho biết: “Trung tâm Pháp y và công an có quy chế phối hợp cách nay 5-6 năm nhưng không tới đâu vì phối hợp theo giờ không được, theo lĩnh vực không được, theo khu vực, ngày trực hay quận/huyện cũng không được. Cuối cùng, cơ quan nào trưng cầu ai thì người đó đi thôi”.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Huỳnh Văn Nhanh khẳng định chỉ chồng chéo trong lĩnh vực pháp y tử thi nên chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực này hoặc là giao trách nhiệm cho công an hoặc là ngành y tế để tập trung đầu tư.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường dẫn đầu đoàn giám sát hai ngày 16 và 17-4 tại TP Cần Thơ. Ảnh: NN
Hiểu khác nhau về hạn chế năng lực hành vi
Theo ông Thái Quang Hải, Phó Chánh an TAND TP Cần Thơ, Thông tư 18/2015 của Bộ Y tế quy định quy trình giám định pháp y tâm thần, kết luận có hai nội dung về mặt y học và pháp luật. Trong đó, kết luận về mặt pháp luật có ba vấn đề là mất năng lực hành vi, hạn chế năng lực hành vi và có năng lực hành vi mà không nói rõ hành vi ở đây là dân sự hay hình sự.
“Từ đó dẫn tới việc khi nghiên cứu hồ sơ, có kết luận là hạn chế năng lực điều khiển hành vi thì tòa vẫn xử. Ví dụ như tội giết người, sau khi xử sơ thẩm thì có tòa (cấp cao) xử phúc thẩm y án với nhận định hạn chế năng lực hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng có tòa (cấp cao) lại nhận định hạn chế năng lực hành vi này không biết là có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không nên hủy án và nói rằng giám định này chưa rõ, yêu cầu phải giám định lại. Như vậy là cùng một kết luận nhưng có hai cách hiểu khác nhau” - ông Hải nói.
Ông Hải kiến nghị kết luận (giám định pháp y tâm thần) phải nên rõ ràng hơn. Ví dụ, mất năng lực hành vi, ghi thêm, có chịu trách nhiệm hình sự hay không (đối với vụ án hình sự), chịu trách nhiệm dân sự hay không (đối với vụ án dân sự) để dễ hiểu.
Đồng thời ông Hải cũng kiến nghị nên bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ trong Thông tư 18/2015 nêu trên. Cụ thể, giải thích mất năng lực hành vi là mất năng lực hành vi gì, hạn chế năng lực hành vi là hạn chế hành vi gì… để người đọc dễ hiểu hơn.