So với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 14,2%, tử vong giảm 54,5%. Miền Bắc là khu vực có số mắc nhiều nhất, chiếm gần 66% số mắc cả nước.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các trường hợp mắc viêm não chỉ rải rác, không có ổ dịch tập trung. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch là vào các tháng mùa hè và đỉnh điểm là các tháng 6, 7, 8.
PGS-TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết bệnh viêm não do nhiều loại virus gây ra như Arbovirus, các virus đường ruột, virus thủy đậu, quai bị... nhưng trong mùa hè chủ yếu là Arbovirus gây viêm não. Để chẩn đoán chính xác virus gây bệnh thì phải chọc lấy não tủy để xét nghiệm. “Bệnh nhân viêm não thường sốt cao kèm theo các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương (nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lú lẫn, rối loạn nghe và nói, co giật, hôn mê…). Đối với trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu như trẻ nôn mửa, thóp phồng, khóc không thể dỗ nín, gồng cứng người…” - BS Huy cho biết.
BS Huy cũng cho biết đến nay y học vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm não virus. Mặc dù có thuốc kháng virus nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virus chứ không phải tất cả. Do đó việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhi và chữa triệu chứng.
Theo BS Huy, viêm não virus là bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương, thậm chí tử vong. Việc điều trị cũng rất khó khăn, có thể để lại di chứng, do vậy biện pháp hữu hiệu nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương tổ chức tốt việc tiêm vaccine viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi ở tất cả 63 tỉnh, TP.
HUY HÀ