Đây là bảo tàng áo dài đầu tiên của Việt Nam và là một trong những bảo tàng tư nhân hiếm hoi ở TP.HCM.
Hôm nay (22-1), Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng sẽ chính thức mở cửa đón công chúng.
Tự thân vận động
. Phóng viên: Ý tưởng cho một bảo tàng về áo dài đã có từ những năm 1990, rồi đến 2002 bắt đầu thực hiện, tại sao đến giờ mới hoàn thành, thưa anh?
+ Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Tôi chỉ tính 12 năm từ khi bắt đầu thực hiện đến nay. Có thể đó là những năm tháng quá dài bởi khó khăn về tài lực, vật lực… Và quan trọng hơn, bảo tàng là một lĩnh vực hoàn toàn mới với tôi. Tôi vừa làm vừa học cách xây dựng quy trình bảo tàng. Nhiều người cũng chia sẻ ý tưởng của tôi nhưng cũng không ít người nghĩ tôi “có vấn đề” bởi thời này chẳng ai bỏ tiền ra làm một việc chẳng sinh lời như bảo tàng.
. Anh từng chia sẻ anh mong muốn việc xây bảo tàng sẽ được sự góp sức của nhiều người, tương tự như việc góp tiền xây chùa. Đến nay nguồn góp chiếm bao nhiêu phần trăm trong bảo tàng?
+ Chưa có nguồn góp nào cả. Thời gian tôi xây dựng bảo tàng rơi vào những năm khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động khó khăn nên tôi chưa quyên góp được. Nhưng tôi vẫn quyết tâm ra mắt bảo tàng. Tôi ví von thế này, việc xây dựng Bảo tàng Áo dài như việc sinh một đứa con, khó nhất là sinh nó ra. Phải sinh ra nó người ta mới thấy mặt mũi, mới biết nó cần gì để cho quà. Nếu tôi cứ ôm bảo tàng thành dự án thì mãi mãi chẳng ai thấy nó để tin tưởng và góp sức gì chung với tôi.
. Chắc chắn việc duy trì, tiếp tục hoạt động của bảo tàng sẽ đòi hỏi rất nhiều kinh phí, anh dự phòng nguồn kinh phí đó ở đâu chưa hay vẫn tiếp tục móc những đồng tiền cuối cùng trong túi?
+ Đúng là thời gian đầu chỉ dựa vào nguồn thu từ bán vé, nước, dịch vụ phụ của bảo tàng… sẽ rất khó sống. Tôi đang ngắm nghía để xin hỗ trợ từ một số quỹ văn hóa của nước ngoài có chú trọng đến các dự án bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, trong đó đáng chú ý là Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch.
Không gian trải nghiệm với áo dài trong Bảo tàng Áo dài giúp du khách có thể hiểu và dự phần vào thực hiện một chiếc áo dài. Ảnh: Baotangaodai
36 bộ áo dài nguyên bản
. Đến giờ Bảo tàng Áo dài đã hoàn thiện được bao nhiêu phần trăm, thưa anh?
+ Hiện tại khoảng 60%. Bảo tàng phải ra mắt rồi hoàn thiện tiếp.
. Vậy 60% hiện tại của anh có gì để thu hút người xem?
+ Hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Áo dài hiện nay đều là hiện vật chứ không phải hình ảnh hay mô hình. Áo dài trưng bày sẽ có tổng cộng 36 bộ. Trong đó 18 bộ thể hiện lịch sử áo dài: Áo dài tứ thân thế kỷ 17, Áo dài năm thân thế kỷ 18, Áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ 19… 18 bộ áo dài còn lại là những áo dài gắn bó với những người phụ nữ Việt Nam lẫy lừng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… như của bà Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Tôn Nữ Thị Ninh, nghệ sĩ Trà Giang, Bạch Tuyết…
Sẽ là một bảo tàng sống
. Khi chọn trưng bày một hiện vật gốc như áo dài Le Mur anh không sợ bị hư hỏng ư?
+ Bộ Le Mur tôi trưng bày đã có phần mục, tôi làm tủ kính để trưng bày riêng. Tôi còn rất nhiều áo dài quý, độc bản nhưng chưa dám trưng bày ngay bởi sợ hư hỏng. Những chuyên gia bảo tàng khuyên tôi nếu chưa có tủ kính đủ nhiệt độ tiêu chuẩn thì không nên vội vàng trưng bày, bởi chỉ cần hơi thở của quá đông người đã tạo độ ẩm làm hỏng vải. Và một lý do quan trọng nữa là Bảo tàng Áo dài xây dựng ở khu vực côn trùng nhiều, có rất nhiều côn trùng mắt thường khó thấy nên nó sẽ góp phần làm mục vải nhanh hơn.
. Đến khi nào công chúng mới có thể được xem những bộ áo dài nguyên bản khác của anh?
+ Cứ mỗi ba tháng tôi sẽ thay đổi bộ sưu tập trong phòng trưng bày. Đó là dịp công chúng có cái mới để xem và Bảo tàng Áo dài không trở thành bảo tàng chết.
. Bảo tàng chết hay không không chỉ ở việc thay đổi hiện vật, anh còn có những hoạt động nào khác?
+ Tôi vẫn còn nhiều dự định để hoàn thiện, hiện tại khi đến bảo tàng công chúng sẽ không chán bởi ngoài trưng bày thì bảo tàng còn có không gian lưu niệm, ẩm thực, trải nghiệm với áo dài. Du khách có thể chứng kiến quy trình làm ra một chiếc áo dài; nếu muốn họ có thể ngồi làm áo dài cùng thợ của tôi trong xưởng. Họ có thể tự vẽ một bộ áo dài họ thích, ngồi kết cườm chung, may áo dài… Tuy nhiên, không gian trải nghiệm với áo dài sau tết Nguyên đán tôi mới thực hiện bởi thời điểm này nhân viên của tôi đã chuẩn bị về quê nghỉ tết. Sau này còn có những chương trình biểu diễn thời trang áo dài định kỳ…
. Xin cảm ơn anh.
QUỲNH TRANG
Không chỉ xây dựng Bảo tàng Áo dài hiện hữu tại 206/19/30 Long Thuận, phường Long Phước, quận 9 (TP.HCM ), nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng đồng thời xây dựng trang mạng về bảo tàng tại địa chỉ: baotangaodaivietnam.com. Trang mạng bảo tàng này được xây dựng khá chuyên nghiệp so với các bảo tàng của Việt Nam hiện tại, có cả phần tiếng Anh cho người nước ngoài dễ dàng tìm kiếm. Kiến trúc của Bảo tàng Áo dài hoàn toàn dựa theo kiến trúc nhà rường Việt Nam. Áo dài sẽ được đặt trong không gian Việt Nam từ kiến trúc, cảnh quan… Bảo tàng Áo dài hoạt động theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Bảo tàng chịu sự quản lý của Sở VH-TT&DL TP.HCM và chính quyền địa phương nơi hoạt động. |