Chuỗi hạt ngọc ca dao dân dã

Dân ca miệt sông nước miền Tây

Kể cũng lạ, gần bước vào “thất thập cổ lai hy” mà anh Mặc Tuyền vẫn xông xáo làm văn nghệ, hóm hỉnh và… liều mạng. Đĩa DVD “Nhà văn Trọng Toàn và Hương hoa đất nước” do Mặc Tuyền viết kịch bản, đạo diễn dài gần 18 phút, do Công ty Văn hóa nghệ thuật Phú Thảo sản xuất là một ví dụ điển hình.

- Có ai tài trợ không mà làm?

- Đâu có. Lâu nay mê tục ngữ, ca dao, nằm nhà đọc lại cuốn sách này mới giật mình. Nhiều đoàn gọi là đi điền dã, sưu tầm ca nhạc dân gian đều trích từ cuốn này ra cả. Công sức của ổng lớn lắm, gần cả đời bỏ công sưu tầm. Nếu để mai một đi thì thật phí của trời, phí của dân tộc!

Số phận của một cuốn sách

Ở miền Nam, công trình sưu khảo về tục ngữ, ca dao còn rất ít đầu sách so với miền Bắc, miền Trung, đây là một thiệt thòi lớn cho những người dân chất phác ở vùng sông nước ĐBSCL. Cuốn Hương hoa đất nước của nhà văn Trọng Toàn ra đời đáp ứng nhu cầu đó. Trong Lời dẫn nhập, nhà văn viết: “Việc sao lục tập HƯƠNG HOA ĐẤT NƯỚC kéo dài hơn hai mươi lăm năm, nên tôi đã theo hai nguyên tắc trái ngược hẳn nhau, khi thì chép theo sách, khi thì ghi lại những câu truyền khẩu tự ngàn xưa. Mấy câu sau này có lẽ chưa hề xuất bản và có thể theo các ông già bà cả mà chôn sâu dưới nấm mồ, mà chìm đắm trong lãng quên vĩnh viễn…

Hồi sơ khởi, tôi tính sao lục thiệt ít, sao lục vài câu hay cho các bạn trẻ xem chơi. Nhưng lần hồi bị lôi cuốn, phải nhiễm lấy cái tật của mấy anh nuôi cu đất, nuôi cá lia thia. Họ bắt đầu nuôi một con rồi càng ngày càng nuôi nhiều. Tôi bắt đầu chép một câu, rồi càng ngày càng chép nhiều. Về sau, tôi không phải sao lục nữa mà lại gia công cứu vớt mấy câu sắp bị tiêu diệt, như đã nói ở trên”.

Cuốn Hương hoa đất nước gần 400 trang in, gồm 1.710 câu tục ngữ, ca dao, rất tiện cho bạn đọc tra cứu, sưu tầm theo từng chủ đề như: Xã hội, Thế tục, Sử ký, Giao thông, Tình vợ chồng… (Nhà xuất bản Bốn Phương Sài Gòn của nhà thơ Đông Hồ xuất bản).

Tập sách được tái bản nhiều lần (kể từ bản đầu tiên năm 1956). Trong bản in năm 1999 có in lại các lời nhận xét, tán thưởng của các báo, tạp chí như Ánh sáng, Sông Hương, Thần chung, Dân thanh, Tiếng dội, Giáo khoa tạp chí, Kỷ yếu Hội Khuyến học… “Tác giả muốn giúp ích cho người tìm học nên đem xếp thành loại rành rẽ cho tiện việc tra cứu. Có lẽ nên đọc những câu hát này để biết phong tục, tánh tình, lịch sử và chế độ xã hội của những thời đại đã qua và để thưởng thức cảm giác nồng nàn, những lời thơ hồn nhiên đủ cả văn lẫn chất nó làm rung động lòng người mỗi khi cất tiếng hát hò” (nhận định của Tạp chí Giáo khoa).

Cuộc đời nổi trôi

Nhà văn Trọng Toàn tên thật là Nguyễn Văn Kiêm, người Tân An, Long An (1902-1976). Nội ngoại lâu đời nhà ông gốc người Thừa Thiên và Nghệ An. Vốn xuất thân là nhà giáo từng dạy học ở nhiều nơi như Hà Tiên, Gò Công và Sài Gòn... Ông đã có bài in ở Tạp chí Nam Phong (cùng thời với vợ chồng nhà thơ Đông Hồ, Mộng Tuyết), Đông Pháp thời báo, Giáo khoa tạp chí, tập Kỷ yếu Hội Khuyến học… và từng đăng đàn diễn thuyết ở Gò Công, ở Sài Gòn. Một số trước tác của ông chưa được xuất bản nay đã thất lạc như: Góp Tiếng Việt (300 trang), Góp tài liệu tác văn (150 trang), Vài nhận xét về tiếng trong ngôn ngữ Việt-Pháp, Đọc Truyện Kiều, Đọc Lục Vân Tiên, Đất nước Việt Nam (400 trang.

Nhà học giả nghiên cứu Nam Bộ Vương Hồng Sển viết về nhà văn Trọng Toàn như sau: “Ông Trọng Toàn người hơi cao, ốm dong dỏng, tóc bạc sớm. Hai mươi lăm năm lặng lẽ hiến thân cho nghề giáo dục, đi đâu cũng lượm lặt câu hát câu hò biên vào thẻ. Ông Trọng Toàn hái những hoa ông thích, mọc trong xóm quê, gần gốc dừa, bên bụi chuối chòm cau, dưới cái võng con kẽo kẹt, treo khít bên cối giã.

Công việc ông Trọng Toàn làm mới coi thì tầm thường mà xét lại thì có kết quả rất lớn. Nếu không có người chịu khó làm những cái nhặt nhạnh phần nhiều chê là không xứng đáng thì một ngày gần đây, đàn bà Việt Nam sẽ hát đưa con bằng những câu “Tôi có hai ái tình” của chị đào da cà phê sữa Joséphine Baker hay là bài nhịp trống bụng Rumba lố bịch.

Phải có nhiều Trọng Toàn để gom góp lại những câu hát xưa tản mác trong đồng bái và gia công chú thích cho rành rẽ những đoạn văn mộc mạc quê mùa ấy, vốn là phản ảnh hay di tích của hồn thơ cổ Việt.

Trẻ nghe ru thì ngủ, thậm chí người lớn nghe giọng cổ phong não nùng như vậy cũng lâm ly cảm khái, nhớ nhung hoa cũ vườn xưa!”.

Còn nhà báo Phan An (con trai nhà văn, ở Long An) kể lại: “Cái công sưu tập mấy mươi năm của ba mình có kết quả là nhờ nhà thơ Đông Hồ cho xuất bản. Lúc đó tôi 12 tuổi, giờ đã 80 tuổi mới ngẫm ra, hiểu hết giá trị của cuốn sách…”.

Những bài học lý thú

Trong đĩa DVD “Nhà văn Trọng Toàn và Hương hoa đất nước” do Mặc Tuyền đạo diễn có một hoạt cảnh, chòm xóm tụ nhau hát vè, ngâm ca dao, gợi lên một cảnh thanh bình dân dã ở miệt vườn thật cảm động. Tôi nhớ mãi mấy câu: “Sớm mai anh đi chợ Gò Vấp/ Mua một xấp vải đem về/ Cho con hai nó cắt/ Con ba nó may/ Con tư nó đột/ Con năm nó viền/ Con sáu đơm nút/ Con bảy vắt khuy/ Anh mới bước cẳng ra đi/ Con tám nó níu/ Con chín nó trì/ Bớ em mười ơi/ Sao em người ơi/ Sao em để vậy/ Còn gì áo anh…”.

Hay ở đoạn “Câu hò của bình dân” trong sách, nhà văn Trọng Toàn viết: “Chim quyên uốn lưỡi trên nhành. Bởi em ở bạc, ông trời nào đành để em! Tả cây cỏ hết sức đúng. Còn tiếng “uốn lưỡi” hết sức dễ thương. Nhơn tiện xin mách có câu hò ở tiểu thuyết Đồng quê, một câu hò dài cả ba mươi hàng chữ in, một câu hò xưa nay tôi chưa từng thấy! Tôi mách ra mà không chép, vì sợ mang tiếng quá tham lam”.

Với những đóng góp qua những tác phẩm kể trên, nhất là quyển Hương hoa đất nước, nhà văn Trọng Toàn xứng tầm là nhà trí thức ở miền Nam. Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của nhà thơ Trần Ngọc Hưởng trong bài viết “Hương hoa đất nước - Một công trình sưu khảo lớn” khi đề đạt nguyện vọng: “Ước mong ngành văn hóa, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Long An lưu tâm để tìm hiểu nghiên cứu, nhằm khẳng định vị thế của ông trong nền văn học của tỉnh nhà nói riêng, của miền Nam và của cả nước nói chung”.

 

Tư liệu về một câu hò dài nhất Việt Nam

Trong cuốn Đồng quê, tác giả Phi Vân ghi lại một câu hò tình tứ như sau (và chú thích ở cuối ghi chép):

“Hò hơ, ớ nầy anh nó ơi, số phận em giao phó cho trời xanh, lấy anh, em không lấy nhưng cũng không đành làm ngơ/ Hò hơ… vốn em cũng chẳng bơ thờ, em đã hằng chọn trong lóng đục nhưng vẫn còn ngờ nợ duyên/ Hò hơ… vốn em cũng muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang nhưng lại sợ ổng hay gia hay giảm; em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc; em muốn lấy chú thợ mộc nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà; em muốn lấy anh thợ cưa cho thật thà nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt; em muốn lấy người hạ bạc nhưng lại sợ mang lưới mang chài; em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới; em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi nhưng lại sợ ảnh hay nói tức nói êm; ảnh hay cà riềng cà tỏi; em muốn lấy ông nhạc công cho giỏi nhưng lại sợ giọng quyển giọng kèn; em muốn lấy thằng chăn trâu cho hèn nhưng lại sợ nhiều điều thá ví; em muốn lấy anh lái buôn thiềng thị nhưng lại sợ ảnh kêu rêu mắc rẻ khó lòng; em muốn lấy anh thợ đóng thùng nhưng lại sợ ảnh kêu trật niền trật ngổng; em muốn lấy ông hương ông tổng nhưng lại sợ việc tróng [*] việc gông; em muốn lấy anh gánh tay không nhưng lại sợ treo đầu quảy; em muốn lấy chú hàng heo khi nãy nhưng lại sợ chú làm lộn ruột lộn gan; em muốn lấy anh thợ đát thợ đan nhưng lại sợ ảnh hay bắt phải bắt lỗi; em muốn lấy anh hát bè hát bội nhưng lại sợ giọng rỗi giọng tuồng; em muốn lấy anh thợ đóng xuồng nhưng lại sợ ảnh hay đằn hay thúc…/ Hò hơ, mấy lời trong đục chẳng dám nói ra. Có thầy giáo tập trong làng xa, hay dạy răn, so đức hạnh ai bằng, lại con nhà nho học, sử kinh thầy thường đọc, biết việc thánh hiền/ Hò hơ, gặp nhau em kết nghĩa liền, không chờ chẳng đợi cho phỉ nguyền phụng loan…[**]

[*] Tróng: cái tróng: gông đóng, tróng mang.

[**] “Mấy câu hò trong bài này tôi chép hối hả trong mui ghe theo giọng hò đối đáp, có thể sai đi ít nhiều. Nhưng tôi không sửa được vì không có nguyên văn, xin nhờ bạn đọc nào biết rành bổ chánh giùm cho”.

TRẦN HỮU DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm