Có nhiều điều kỳ thú, thậm chí rất bất ngờ, về Stephan - năm nay anh khoảng 43 tuổi. Stephan nói chuyện bằng tiếng Việt khá sõi, tới mức có thể “tán dóc” và bật cười quanh một số truyện tiếu lâm Việt Nam.
Cội nguồn ai mà không nhớ
Cả hai phim nêu trên đều lấy bối cảnh Việt, câu chuyện Việt, diễn viên Việt, ngôn ngữ Việt. Anh ngữ chỉ được dùng làm phụ đề để tham gia các liên hoan phim quốc tế. Stephan vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn.
Tôi còn nhớ bộ phim truyện đầu tay của anh Cú và chim se sẻ nhận được hàng loạt vòng nguyệt quế quốc tế: giải Phim hay nhất trong Big Apple film festival (New York), Hawaii film festival, San Francisco Asian film festival, San Diego Asian film festival, Dallas Asian film festival, giải thưởng New filmmaker award tại Denver film festival, Giải thưởng của khán giả (Audience award) tại Los Angeles film festival. Dư luận báo giới khen ngợi Cú và chim se sẻ “một chuyện tình ngọt ngào, khiến cho khán giả cảm thấy ấm áp” (Variety), “một bộ phim chân thật, nồng nàn” (San Francisco Examiner).
… Trong lần ra Hội An xem đoàn làm phim Dòng máu anh hùng bấm máy, tôi nhác thấy một anh chàng dềnh dàng cao lớn, đứng trội hơn mọi người một cái đầu. Ai vậy? Stephan. Thêm một điều để cho tôi chú ý nữa, đó là tính khí vui nhộn của anh chàng “mắt xanh”. Từ đó tôi và Stephan Gauger quen nhau.
Anh làm nhiều việc ở đoàn phim để có tiền sinh sống. Một anh chàng Mỹ lãng tử. Stephan học quay phim, rồi đạo diễn nhưng vào thời điểm đó Stephan chưa xoay đủ tiền để làm một bộ phim truyện dài đầu tiên của mình.
Một hôm Stephan giới thiệu với tôi bộ phim ngắn 22 phút Seabird, xem trên laptop. Tôi giật mình thú vị. Nhân vật chính trong phim ngắn là Hải, một chàng trai Mỹ lai, không biết mặt cha, rồi một cơ duyên Hải qua Mỹ sinh sống. Buồn bã, cô đơn, Hải không tìm được cảm giác quê hương trên mảnh đất mới. Một lần Hải bước vào nhà thờ, gặp gỡ vị mục sư để tham vấn cho tâm trạng của mình. Qua trò chuyện, vị mục sư phát giác ra Hải chính là đứa con rơi của ông trong thời chiến tranh Việt Nam. Phim khép lại bằng sự phát giác lặng lẽ ấy, trong khi Hải vẫn không biết mình vừa gặp được cha. Phim thật xúc động.
Chuyện phim không phải là một bản photocopy từ đời thực nhưng chí ít có một điểm giống nhau giữa nhân vật với đạo diễn.
Stephan cũng là một chàng trai mang hai dòng máu, cha Mỹ mẹ Việt. Sinh ra tại Sài Gòn, đến ba tuổi qua Mỹ, vào khoảng năm 1973. Bà ngoại cùng đi sang Mỹ, nhờ bà ngoại mà Stephan biết nói tiếng Việt. “Bà dạy tôi để còn có người thủ thỉ vì bà không biết nói tiếng Mỹ”.
Phim truyện gần với phim tài liệu
Tôi thỉnh thoảng gặp Stephan tại khu Phạm Ngũ Lão. Stephan mỗi lần qua Việt Nam đều đặt phòng, nằm trong khu vực “Tây ba lô” này. Từng con hẻm nơi đây đã trở thành thân thuộc với anh.
“Việt Nam là lựa chọn số 1, mỗi khi Stephan nghĩ đến việc làm phim” - Stephan có thói quen xưng hô bằng tên như thế.
Ngày bấm máy bộ phim truyện dài đầu tay, anh rủ tôi đến xem. Phố Phạm Ngũ Lão chạng vạng nắng chiều, đây đó lên đèn, trở thành bối cảnh chính trong phim. Tôi hết sức kinh ngạc khi nhìn thấy một đoàn phim quá gọn nhẹ, cơ động. Stephan vừa là tác giả, vừa đạo diễn, vừa… quay phim (bộ phim được quay bằng hai máy, một máy của Stephan, máy còn lại của Nguyễn Trọng Khoa, đạo diễn bộ phim truyện 14 ngày). Phim chỉ xoay quanh ba nhân vật, ngoài ra chỉ thêm vài nhân vật phụ.
Ở phố Phạm Ngũ Lão, Stephan vẫn thường gặp những đứa bé mặc đồng phục học trò đi bán vé số, bán hoa hồng. Có không dưới phân nửa trong số đó thật ra là “học trò giả”, sớm vào đời. Stephan đem câu chuyện “đồng phục học trò” vào phim Cú và chim se sẻ thông qua nhân vật bé Thủy cỡ 10 tuổi. Anh rủ Cát Ly (một Việt kiều) về nước để vào vai Lan - vai nữ chính của phim. Vai nam chính, Hải, được giao cho diễn viên Thế Lữ.
Chẳng có phim trường hoành tráng nào cả. Stephan liên hệ với vài quán ăn, bar, nhà dân trong những con hẻm để cho diễn viên bước vào “hóa thân” như đời thực. Đường phố Phạm Ngũ Lão trở thành “phim trường” tự nhiên, quá sống động, cứ việc cho diễn viên hòa vào dòng người đang đi, camera cứ thế bấm máy. “Stephan muốn thực hiện một phim truyện gần với phim tài liệu” - Stephan nói với tôi.
Triết lý thể hiện cuộc sống tự nhiên, như nó vốn có, trong quan niệm của Stephan còn chi phối cả trong những yếu tố kỹ thuật. Ánh sáng tự nhiên của trời đất, của phố xá được tận dụng tối đa.
“Một số đồng nghiệp của Stephan bên Mỹ nói bộ phim có được sự khác lạ, bởi đời sống tự nhiên của đường phố. Họ còn nói phim dễ đồng cảm, vì đề cập đến tình trạng cô đơn của con người trong các thành phố lớn. Không phải là những con người nổi tiếng mà rất bình thường” - Stephan kể lại.
Trong nghệ thuật, dẫu có tiền bạc nhiều, dẫu kỹ thuật cầu kỳ đến mấy nhưng nếu chỉ làm theo công thức, bắt chước thành công của người khác để nhái lại thì cũng hỏng! Trước hết và trên hết vẫn là có được ý tưởng riêng, độc đáo theo cách nào đó. Stephan là một dẫn chứng.
Có một Việt Nam đang thay đổi
“Việt Nam là lựa chọn số 1”, vì Stephan mong muốn làm phim trên quê ngoại của anh.
Còn có một lý do khác nữa. Stephan nói: “Mình đã quen với đời sống ở Việt Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng nên cũng dễ viết thành kịch bản, dễ có cảm xúc. Ở nước ngoài, người ta quen nhìn Việt Nam như một cuộc chiến hoặc mang cái nhìn “hoài cổ” như phim Đông Dương, Người tình. Stephan muốn nhìn Việt Nam như một đất nước đang thay đổi dần bằng những hình ảnh tự nhiên không tô vẽ”.
Phim Saigon Yo! đưa ra cái nhìn về giới trẻ Việt Nam trong độ tuổi 16-18 đang thay đổi nhiều. Nhảy nhót, ca hát là sở thích của giới trẻ, qua đó nhìn thấy đặc trưng của tuổi trẻ rõ hơn về tình yêu, về bạn bè, về hy vọng.
Khi xem bộ phim thứ hai này của Stephan, tôi cảm thấy thú vị khi thấy trong phim còn có sự pha trộn với nghệ thuật múa lụa, nghệ thuật chơi trống truyền thống Việt Nam.
Trong một lần trò chuyện tại quán cà phê Galaxy, ngồi bên cạnh Stephan là một thanh niên da đen. Ricky, 24 tuổi nhưng đã có đến 11 năm biểu diễn hiphop. Ricky trở thành biên đạo múa thành công với các nhóm như Quest Crew (giải nhất tại American Best Dance lần thứ 3), Twitch (giải nhì tại cuộc thi So you think you can dance), Poreotics (giải nhất tại American Best Dance lần thứ 5)… và Ricky chính là người hướng dẫn về mặt vũ đạo trong phim Saigon Yo!.
“Mỗi người cần tìm lại chính mình”, đó là chủ đề ẩn chứa trong những thước phim sôi động Saigon Yo! thông qua câu chuyện tình cảm bạn bè và gia đình của những nam nữ trẻ.
Phong cách thể hiện cuộc sống tự nhiên như nó vốn có, một lần nữa, được Stephan Gauger áp dụng.
Tôi yêu thích cái chất mộc mạc nhưng đầy “nội lực” trong suy nghĩ và sáng tạo của Stephan.
VIỆT THƯ
Stephan Gauger (trái) cùng với các diễn viên trong phim Saigon Yo!
Cảnh trong phim “Saigon Yo!”