Ngày 19-4, tại TP.HCM, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức diễn đàn Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong công nhân lao động.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, nguyên giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (Hà Nội), cho biết theo định nghĩa của ILO thì LĐTE là một thuật ngữ chỉ tình trạng trẻ em (những người dưới 18 tuổi) phải trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia làm những công việc nặng nhọc, độc hại hay nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội của trẻ em. Hoặc phải làm quá nhiều việc ở độ tuổi quá nhỏ, khiễn các em không có thời gian cần thiết để học tập, vui chơi, giải trí.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương trao đổi cùng các công nhân tham gia diễn đàn. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG.
Tính đến 2012, Việt Nam có 1,75 triệu LĐTE, trong đó gần 43% buộc phải làm các công việc nặng nhọc vượt quá lứa tuổi. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý hài hòa của các em. Cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, ảnh hưởng tới tương lai của chính các em, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
"Cần có sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng nhằm giúp trẻ em có thể phát triển khỏe mạnh”, bà Hương nhấn mạnh.
Bà Hương cũng đã cung cấp các kiến thức pháp luật quy định về độ tuổi lao động của trẻ em, các hành vi vi phạm quyền được bảo vệ tránh bóc lột sức lao động trẻ em cũng như các quy định pháp luật Việt Nam khác về lao động Việt Nam cho các công nhân, chủ nhà trọ tham dự diễn đàn.