Ngày 31-10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc ngày 29-10, Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc đã ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền và tuyên bố ngày 30-10 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ phán quyết trên, trong đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo tại biển Đông cũng như các quyền lợi của Trung Quốc hình thành trong lịch sử tại biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:
“Trước hết, tôi xin khẳng định một lần nữa chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là quốc gia ven biển ở biển Đông và thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước.”
Về vụ kiện của Philippines, ông Bình cho hay Việt Nam đã nhiều lần thể hiện quan điểm của mình, đặc biệt là trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài ngày 5-12-2014. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở biển Đông.
Ông Bình cũng nêu tóm tắt các quan điểm chính của Việt Nam đã nêu trong tuyên bố đó, cụ thể như:
Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình.
Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.
Việt Nam mong rằng tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.
Việt Nam đề nghị tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.