"Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 1, Singapore bỏ ra 20 triệu USD, thu lời 500 triệu. VN có thống kê nào về chi phí bỏ ra và thu lợi kinh tế thế nào từ hội nghị thượng đỉnh lần hai này?”- nhiều nhà báo đặt câu hỏi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
"Chúng ta thu được rất nhiều"
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay: Các phương tiện thông tin đại chúng cũng nói rất nhiều về việc nước chủ nhà đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam thu được gì? Báo chí cũng đăng thông tin khi Singapore tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất, Singapore bỏ ra 20 triệu USD, có thông tin là 17 triệu. Có thông tin nói Singapore thu được 500 triệu USD, có thông tin nói thu được 800 triệu USD.
“Chúng ta thu được rất nhiều, có cái nhìn thấy, có cái không nhìn thấy”- ông Mai Tiến Dũng nói.
Những cái nhìn thấy là chúng ta tự hào khi cả nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều chọn Việt Nam. Điều này cho thấy vị trí và vai trò của VN rất quan trọng trong sự đóng góp đối với hoà bình của thế giới và khu vực.
Chúng ta tổ chức sự kiện này hết sức hoàn hảo, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ chính trị và Thủ tướng là bảo đảm những gì tốt nhất cho Hội nghị thượng đỉnh. Hai bên đều cảm nhận được sự an toàn, hoà bình và trật tự xã hội… Chúng ta thu được nhiều ấn tượng như bạn bè, báo chí quốc tế đã nêu. Cái chúng ta thu được là hình ảnh con người Việt Nam mọi người trên thế giới đều biết.
Cạnh đó là sự tin cậy rất lớn của các nhà lãnh đạo các nước, trong đó có hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
“Chúng ta bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngay việc sắp xếp lịch trình cũng không đơn giản. Nếu lịch trình sắp xếp không tốt, xảy ra việc nọ, việc kia thì họ có thể huỷ bỏ cuộc nọ, huỷ cuộc kia nhưng rốt cuộc cả hai nhà lãnh đạo đều hài lòng”- người phát ngôn Chính phủ nói thêm.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngay cả những vấn đề như ẩm thực, đồ ăn cũng được nước chủ nhà rất quan tâm. Đặc biệt là công tác phục vụ cho truyền thông, báo chí được bảo đảm từ việc cung cấp đầy đủ thông tin, thiết bị, đường truyền, wifi. Chúng ta cũng đã đón tiếp hơn 3.000 nhà báo của các hãng thông tấn lớn trên thế giới. Không ai phàn nàn chất lượng hạ tầng thông tin của chúng ta là không tốt.
Đi ra đường, đi ra phố với sự bảo đảm an toàn tuyệt đối, rất tự do, thoải mái. Không khí trang hoàng cờ hoa giữa Thủ đô của hoà bình. Một hình ảnh rất đẹp về con người, đô thị, thành phố.
“Chúng ta chưa tổng hợp chi phí đó nhưng chúng tôi nghĩ là không nhiều”- ông Dũng nói và cho biết VPCP cũng huy động các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm của chúng ta phục vụ hội nghị thượng đỉnh như nước ép trái cây…
Tiền đề cho các cuộc gặp tiếp theo
Trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tham quan thủ đô Hà Nội về vấn đề sản xuất rau sạch, tham quan Hải Phòng, Quảng Ninh, đến thăm các DN Việt Nam thì thấy rằng tại sao Việt Nam làm được, vì chúng ta đã gác lại những quá khứ, lịch sử, gác lại chiến tranh, hận thù để phát triển kinh tế. Đây là mô hình mà Triều Tiên cũng có thể thực hiện được, rất có ý nghĩa với nước này.
“Mỹ đặt vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên thì đặt vấn đề xoá bỏ lệnh cấm vận của Liên hợp quốc. Những vấn đề này cần tiếp tục bàn thảo trong những hội nghị tiếp theo, chúng ta không thể một chốc một lát nói rằng mọi vấn đề có thể bày lên bàn giải quyết ngay. Quan trọng nhất là hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau trong một không khí rất cởi mở, những vấn đề được bàn thảo lần này sẽ là tiền đề cho những hội nghị tiếp theo để giải quyết các vấn đề của bán đảo Triều Tiên”- Người phát ngôn Chính phủ kết luận.
“Về vấn đề truyền thông, hôm nay Thủ tướng có nói một ý rất hay là bình thường để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các hãng truyền thông thông lớn, chúng ta phải bỏ ra hàng triệu đô cũng chỉ được vài giây, vài phút. Nhưng lần này hơn 200 hãng thông tấn đến Việt Nam đưa tin, điều này mang lại những lợi ích rất lớn cho chúng ta”- Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nói thêm.
Trước đó, mở đầu cuộc họp báo, ông Mai Tiến Dũng cho hay, hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều được tổ chức lần này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho cả thế giới chứ không chỉ riêng hai nước Mỹ và Tiều Tiên. Thời gian chuẩn bị cho Hội nghị rất ngắn, chỉ trong vòng 10 ngày nhưng các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng của Hà Nội, Lạng Sơn và các tỉnh liên quan đã phối hợp vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ. “Khi chúng tôi lên Đồng Đăng (Lạng Sơn), người dân tự tháo dỡ các lều bạt lấn chiếm, cản trở an toàn giao thông mà chính quyền không phải đi cưỡng chế. Người dân hân hoan vẫy cờ, nồng nhiệt chứng kiến giờ phút lịch sử. Trong lễ tân ngoại giao, chúng ta sắp xếp được lòng, được việc cả hai nhà lãnh đạo”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng cũng cho rằng, đây là một sự kiện lớn, những vấn đề đặt ra không thể đạt được thỏa thuận trong một chốc, một lát. Nước chủ nhà đã thể hiện vai trò, vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, ngày càng phát huy vai trò dẫn dắt, đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới và khu vực. chúng ta tổ chức thành công sự kiện. Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh, nhiều hoạt động song phương đã diễn ra, tại buổi hội đàm giữa Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump, các doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng trị giá 21 tỉ USD mua máy bay, sửa chữa, bảo dưỡng, mua thiết bị, máy móc. Tổng thống Donald Trump khi ra sân bay đã cảm ơn sự đón tiếp của Việt Nam, các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam “trên mức tuyệt vời”. |