Được gia đình đưa vào Bệnh viện Nguyễn Trãi (Q5, TP HCM) để điều trị cả tuần nay, ngày 31-7, bà được đưa về nhà riêng và qua đời tại nhà trong vòng tay yêu thương của người thân. Gia đình nữ nghệ sĩnày cho biết tang lễ sẽ được tổ chức tại nhà riêng số 1079, Trần Hưng Đạo, P.5, Q.5, TP HCM. Lễ nhập quan thực hiện lúc 15 giờ ngày 1-8, lễ động quan diễn ra lúc 6 giờ ngày 3-8 (mùng 8-7 âm lịch), an táng tại xã Tân Hội, Bắc Mỹ Thuận, Vĩnh Long.
Nghệ sĩ Kim Chưởng tên thật là Cao Thị Chưởng, sinh năm 1926, quê ở Duyên Hải-Trà Vinh. Bà từng được phong là “đệ nhất nữ nghệ sĩ sân khấu võ hiệp” trên sân khấu cải lương vào những năm 1950 - 1960.
Nhờ hát hay, hơi ngọt, bà được anh rể gửi cho Tân Đồng Ban với công việc ban đầu là nấu ăn, giặt đồ, bán nước sâm... cùng mơ ước một ngày được bước lên sân khấu, trở thành đào hát. Sau đó, bà được anh rể gửi tiếp cho gánh Tân Thiếu Niên. Khi tên tuổi được nhiều người biết, bà rời đoàn này và tham gia các đoàn Văn Hí Ban, Tân Xuân, Tân Tiến, Bầu Bòn, Tương Lai, Phụng Hảo, Thanh Minh... Là đào hát nhưng bà mê "làm bầu".
Nghệ sĩ Kim Chưởng (áo tím), đã từ giã cõi đời. Ảnh: NSND Kim Cương cung cấp
Năm 1955, bà rời đoàn Thanh Minh, cùng với ba nghệ sĩ Thanh Tao, Út Trà Ôn và Thúy Nga hợp tác thành lập đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn hết sức thành công nhưng đến cuối năm 1957, giải thể gánh hát. Bà lại phối hợp nghệ sĩ Thanh Hương thành lập đoàn mới bảng hiệu Kim Chưởng - Thanh Hương đình đám một thời. Sau khi đoàn Kim Chưởng - Thanh Hương tan rã, bà đứng ra lập đoàn Kim Chưởng, tự mình làm "bầu".
Nghệ sĩ Kim Chưởng từng tham gia nhiều vở tuồng: Người anh khác mẹ, Chưa tắt lửa lòng, Lá đào rơi, Con gái nữ thần, Oan hồn trên tháp đá, Tiếng hát đền Bá Lạc, Trăng nửa đêm, Hai chiều ly biệt, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Thần điêu đại hiệp, Song long thần chưởng, Nước mắt kẻ sang Tần, Kiếm mộng phù tang, Nhặt cánh mai vàng, Thuyền ra cửa biển,…
Bà kết hôn với con trai của ông bầu Bòn, có 5 người con.