Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống ca trù ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, bắt đầu hát ca trù từ năm 12 tuổi tại quán ca trù của gia đình.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và kép đàn Nguyễn Phú Đẹ- Ảnh: B.T.Hiền
Với giọng ca thiên phú, bà nhanh chóng chinh phục được nhiều người yêu thích bộ môn nghệ thuật này.
Từ năm 2002, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc tham gia giảng dạy lớp ca trù ở Nhạc viện Hà Nội.
Năm 2006, bà cùng học trò là Phạm Thị Huệ thành lập CLB ca trù Thăng Long, nay là phường ca trù Thăng Long, để truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ.
Tháng 12-2009, bà được nhận giải thưởng Đào Tấn tôn vinh những người có cống hiến trong việc phát huy, giữ gìn văn hóa dân tộc.
Năm 2005, Nhà nước phong tặng bà danh hiệu nghệ nhân dân gian.
Ca nương Phạm Thị Huệ, người học trò thân thiết của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, chia sẻ: “Cụ là người cả đời dành tâm huyết cho ca trù. Đến lúc tuổi cao sức yếu, thậm chí những ngày đau yếu trên giường bệnh vừa qua, cụ vẫn tận tình chỉ bảo chúng tôi từng câu chữ, vẫn muốn được hát và nghe các học trò hát ca trù cho cụ nghe”.
“Vẫn biết rằng rồi ai cũng sẽ phải trở về với ông bà, tổ tiên, nhưng thầy tôi - cụ Nguyễn Thị Chúc - qua đời là sự mất mát quá lớn với những người yêu ca trù và âm nhạc truyền thống dân tộc. Nhân đây, tôi cũng mong rằng cộng đồng và các cấp lãnh đạo ngành văn hóa hãy quan tâm hơn nữa đến những nghệ nhân dân gian để cuộc đời họ không phải khổ cực đến lúc lìa xa cõi trần như nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc nữa" - ca nương Phạm Thị Huệ bày tỏ.
TS Nguyễn Xuân Diện, người làm luận án tiến sĩ về ca trù đầu tiên ở Việt Nam, cho biết thêm nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc là một trong những người tham gia lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong các phim 10 phút, 100 phút bắt buộc phải trình hội đồng UNESCO giới thiệu về ca trù đều có sự hiện diện của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc.
“Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc là một nghệ sĩ chuyên nghiệp của bộ môn ca trù. Cho đến phút cuối đời, cụ luôn một lòng một dạ với nghề tổ. Không nề hà tuổi tác, không tính đếm ít nhiều, cụ sẵn sàng đi hát bất cứ nơi nào, miễn là được hát, như một duyên tiền kiếp với nghề ca trù. Cụ là một tấm gương lớn về việc quảng bá, truyền dạy và phổ biến ca trù, ngay cả khi bộ môn này còn xa lạ với nhiều người” - TS Nguyễn Xuân Diện nói.
Ca nương Phạm Thị Huệ cho biết: "Lễ phát tang cụ Nguyễn Thị Chúc được tổ chức vào chiều 7-4. Lễ truy điệu và an táng sẽ diễn ra vào ngày 9-4 (tức 10-3 âm lịch)".
Theo VŨ VIẾT TUÂN (TTO)