Vĩnh biệt ông Ba Minh, người đỡ đầu của nghệ sĩ

Nhưng nay, khi ông nằm xuống, mọi người vẫn tiếc nhớ một người có tấm lòng với văn nghệ sĩ.

Trong ký ức NSND Kim Cương, “những ngày đầu giải phóng, tất cả anh em nghệ sĩ cũng như những người sống ở TP vừa mừng vừa lo; khi đó anh Dương Đình Thảo (Sáu Thảo), Ba Minh… là những người phụ trách văn hóa. Các anh vừa là chỗ dựa tinh thần vừa là chất xúc tác cho tụi tôi làm nghề; nhiệt tình của các anh làm tụi tôi thêm vững tâm vào cuộc sống mới”.

Đối đãi với văn nghệ sĩ bằng tình thân

Với riêng nghệ sĩ Kim Cương, ông Ba Minh và Sáu Thảo là hai người anh đặc biệt, “hai anh dẫn dắt tôi trên con đường mới. Trong lẵng hoa tôi đến viếng anh Ba Minh tôi ghi “Mãi mãi nhớ ơn anh”; đúng là tôi mãi mãi nhớ ơn các anh để vững tin đối đầu với khó khăn trong đời cho đến ngày hôm nay. Tình nghĩa các anh với nhà tôi như gia đình. Năm, sáu năm trước, khi các anh còn khỏe, năm nào giỗ má tôi anh Ba Minh và Sáu Thảo cũng tới đốt nhang, mua cho má trái sầu riêng… Mà sự quan tâm này không chỉ với gia đình tôi mà còn anh em nghệ sĩ TP nói chung. Hôm đầu năm anh Sáu Thảo ra đi, giờ anh Ba Minh… tôi rất buồn và tiếc. Mong có những lãnh đạo vì mọi người như anh Ba Minh đã để cho tụi tôi vững tin bước đi” - NSND Kim Cương tâm sự.

Còn với thế hệ đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, ông Ba Minh đóng vai trò người chú bởi ông là bạn của cha chị - cố NSND Năm Châu. “Chú Ba Minh xem ba tôi như tiền bối, vẫn thường nhắc tôi những tác phẩm của ba nhưng hơn cả chú luôn dặn tôi khi làm công tác quản lý của hội thì phải hiểu về công tác tuyên truyền, tuyên giáo, văn hóa văn nghệ cần đức tính gì. Chú luôn dặn đi dặn lại đừng để mất tiếng tăm gia đình nhưng cũng không ăn mòn trên đó mà phải giữ chính kiến riêng. Mỗi khi hội thảo, hội nghị tôi có phát biểu ý kiến thì chú Ba Minh luôn cho tôi đánh giá liền về phát biểu của mình. Chú góp ý thẳng thắn điều được, chưa được rất ngay thẳng nhưng không kém ân cần. Thật sự tôi thấy mình may mắn khi được chú Ba Minh xem như con”.

Ông Ba Minh (thứ hai từ phải sang) luôn giữ phong thái gần gũi. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Người cởi mở và có tầm nhìn

Dưới góc nhìn của các thế hệ nghệ sĩ, người làm văn hóa… ông Ba Minh là một người thẳng thắn, cởi mở. Bởi nếu không phải là người cởi mở, có tầm nhìn thì ông không thể là người cùng góp phần đưa nhiều nghệ sĩ Việt ra nước ngoài biểu diễn, thậm chí bảo lãnh cho sự ra đi của họ và khẳng định họ sẽ trở về. Trong ký ức ông Cao Đức Trường (Bảy Trường), nguyên Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa-Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM), thì: “Ông Ba này gốc không phải nghệ sĩ, là thường vụ quận ủy từ năm 1948, là người làm chính trị nhưng chính từ nhận thức chính trị tốt nên ông cư xử, xem xét vấn đề có nguồn cơn, có tình có lý.

Ông xử lý công việc thấu lý đạt tình. Điển hình ca sĩ Ngọc Sơn hồi đó muốn đi nước ngoài diễn. Nhiều người sợ lắm vì giai đoạn đó mọi người hay đi luôn không về. Ngay cả cấp trên ông Ba Minh cũng thiếu lòng tin đó nhưng cảm nhận của ông Ba là “cậu ấy đi rồi về” nên vận động các nơi đồng ý cho Ngọc Sơn lưu diễn lần đầu tiên và Ngọc Sơn từ đó đi đi về về lưu diễn rất nhiều”.

Một đời thờ vợ, nuôi con

Không chỉ ở góc độ công việc, cuộc đời ông - như lời ông Bảy Trường thì cả Bắc Nam đều biết và nể trọng bởi sự thủy chung. “Ông già này ở với vợ mới sáu năm (1951-1957) thì bả mất. Vợ mất khi ổng mới 29 tuổi vậy mà ổng ở vậy nuôi hai đứa con, đến giờ chăm cả cháu. Tôi nhớ người xưa có câu “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi” thì chưa chắc người xưa còn chung thủy như ông Ba Minh. Tình yêu của ổng với vợ quá sâu nặng, ông đã giữ gói quần áo của bà vợ cho tới giờ này vẫn còn. Quần áo đó lâu lâu ông giặt phơi, xếp vuốt kỷ kiệm cũ. Ngoài một người điển hình về nhận thức tốt thì ông Ba Minh còn là một người đặc biệt hiếm có chung thủy thương yêu vợ, hết lòng thương con cháu… Thời nay cũng hiếm lắm!” - ông Bảy Trường xúc động.

_____________________________

Ông Châu Ngọc Minh sinh năm 1928 tại Sóc Trăng. Ông thuộc thế hệ thanh niên tham gia Cách mạng Tháng Tám thời đầu. Sau năm 1975, ông là phó Ban Văn hóa văn nghệ, phó Ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy cho đến khi về hưu. Ông từng được trao tặng huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm