“Cấm nhập tất cả gia cầm giống, gia cầm chưa qua làm chín, đặc biệt là từ Trung Quốc”. Chiều 13-2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát đi thông điệp như trên về dịch cúm gia cầm đang tràn lan trong cả nước.
Về nguy cơ xuất hiện virus H7N9 tại Việt Nam thế nào, làm cách gì để ngăn chặn, ông Phát khẳng định: Không loại trừ H7N9 sẽ xuất hiện ở Việt Nam.
Nguy cơ dịch chồng dịch rất cao
. Phóng viên: Xin bộ trưởng khái quát tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay?
+ Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi rất sốt ruột với cúm gia cầm và nóng ruột đợi cuộc họp khẩn này. Hiện đã có một số tỉnh có dịch cúm H5N1 như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và ba địa phương ở phía Bắc... Cùng với đó loại virus cúm H7N9 đang có nguy cơ lây lan rất cao vào Việt Nam. Trong nhiều tháng qua, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và các bộ liên quan đã theo dõi sát sao và thấy rằng cần có kế hoạch đồng bộ để đối phó với loại virus nguy hiểm này. Không loại trừ tình huống H7N9 sẽ xuất hiện ở Việt Nam.
Bộ trưởng Cao Đức Phát tại cuộc họp khẩn chiều 13-2 để phòng, chống cúm gia cầm. Ảnh: T.PHƯƠNG
Hiện bên Trung Quốc mỗi ngày đều có người nhiễm virus H7N9 và cứ bốn người nhiễm thì có một người chết. Virus này đã lây lan đến tỉnh Quảng Tây, sát biên giới với nước ta. Nó tồn tại trên gia cầm nuôi, hoang dã và cả môi trường nên phải dùng mọi biện pháp ngăn ngừa loại virus này xâm nhập. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm đối phó với cúm H5N1 nhưng đối với H7N9 có những cái khác biệt. Virus này có thể có ở gia cầm nhưng không làm cho gia cầm chết nên rất khó phát hiện, ngăn ngừa. Trên thế giới cũng chưa có loại vaccine đối phó cho loại virus này.
Hiện nay chưa có bằng chứng việc lây lan từ người sang người nhưng khi virus tập hợp mật độ cao thì nguy cơ lây lan rộng.
. Chúng ta có giải pháp nào để ngăn chặn sự xâm nhập của loại virus H7N9?
+ Hiện chưa phát hiện virus H7N9 ở Việt Nam nhưng phải ngăn chặn bằng nhiều biện pháp. Bộ đang theo dõi sát sao tình hình các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng để nắm thông tin, kịp thời ứng phó. Tiếp đến là quyết liệt ngăn chặn gia cầm và các sản phẩm gia cầm có khả năng mang theo virus vào Việt Nam, nhất là từ phía Trung Quốc. Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm các mẫu phẩm ở các vùng có nguy cơ gây bệnh.
Ra ngay văn bản khẩn
. Cụ thể thế nào, thưa ông?
+ Trong hôm nay (14-2), với tư cách là trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia dịch cúm gia cầm, tôi sẽ ký văn bản gửi đến các bộ, ngành, địa phương để triển khai các biện pháp ngăn chặn virus cúm H7N9 vào Việt Nam. Năm 2013 chúng ta chỉ cấm các loại gà loại thải nhưng trong trường hợp này là cấm mọi loại gia cầm, mọi hình thức buôn bán qua biên giới.
. Hiện nay một số địa phương đã có dịch cúm H5N1, người dân đang rất lo lắng…?
+ Hiện nay đã có nhiều nơi xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 và Bộ đã có nhiều chỉ đạo cho các địa phương nhưng thực tế một số nơi tiến hành tiêm phòng và xử lý chưa triệt để, dẫn đến bùng phát dịch.
Người dân ở các địa phương có ổ dịch cần thực hiện khuyến cáo của cơ quan thú y, tiêu độc khử trùng. Đối với việc mua bán sản phẩm ở các chợ, các cơ quan quản lý cần giám sát dịch bệnh và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để người dân nhận biết, an tâm sử dụng.
Nghiêm cấm người dân bán chạy gia cầm. Nhà nước sẽ có giải pháp hỗ trợ người dân trong việc khai báo dịch. Địa phương nào giấu dịch thì sẽ xử lý và yêu cầu công bố rõ thông tin theo quy định.
. Xin cảm ơn bộ trưởng.
TRÀ PHƯƠNG thực hiện
Liên Hiệp Quốc hỗ trợ Việt Nam đối phó dịch cúm gia cầm “Việt Nam nằm trong khu vực có nguy cơ tương đối cao về các loại bệnh truyền nhiễm mới nổi và gần đây virus cúm A/H7N9 được phát hiện trên người và động vật tại quốc gia láng giềng Trung Quốc, cho thấy nguy cơ tiềm tàng nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam kêu gọi đẩy mạnh hợp tác và phối hợp giữa các ngành và các tổ chức nhằm ứng phó với các dịch bệnh có tác động tới sức khỏe, an toàn và an ninh lương thực, sinh kế, phát triển kinh tế và thương mại”. Ngày 11-2, đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết như trên. Trước tình hình dịch cúm đang xảy ra, UNDP tại Việt Nam sẽ hỗ trợ 800.000 USD do USAID tài trợ để Việt Nam triển khai việc bảo vệ sức khỏe người dân. |