Theo đó, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội, khi vợ sinh con sẽ được nghỉ 5 ngày làm việc; được nghỉ 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc (từ sinh ba trở lên, thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc) và trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Vợ sinh con, chồng cũng được nghỉ thai sản. Ảnh minh họa: Internet
Ngoài ra, Luật cũng bổ sung các đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề. Quy định này sẽ được áp dụng thực hiện từ năm 2018.
Luật đã mở rộng diện đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên được tham gia bảo hiểm tự nguyện, thay vì phải trong độ tuổi lao động như trước đây.
Theo Luật BHXH mới, cách tính lương hưu hàng tháng cũng được điều chỉnh như sau: từ năm 2016 đến trước năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2% đối với nam; 3% đối với nữ nhưng mức tối đa là 75%.
Từ năm 2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng bảo hiểm xã hội và tương ứng với 15 năm nếu lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi; tương ứng với 16 năm nếu lao động nam nghỉ hưu năm 2018; với 17 năm nếu nghỉ hưu vào năm 2019; với 18 năm nếu nghỉ hưu vào năm 2020; với 19 năm nếu nghỉ hưu năm 2021 và với 20 năm nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.