Vẫn còn tồn gần 200 nghìn tỷ của các dự án lớn phải xin ý kiến Quốc hội, UBTVQH khi giải ngân tiếp hoặc của các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư…
Tồn gần 200 nghìn tỷ
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã thông tin như vậy tại phiên giải trình về việc triển khai Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do UBKT và UBTCNS của Quốc hội đồng tổ chức chiều 2-10.
Theo ông Dũng, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thì nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng.
Hiện Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 1,6 triệu tỷ, bằng 89,2% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định (không bao gồm 200 nghìn tỷ đồng dự phòng chung).
Số vốn còn lại chưa giao là hơn 194 nghìn tỷ, tương đương bằng 10,7% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định (không bao gồm 200 nghìn tỷ đồng dự phòng chung). Trong đó, gần 182 nghìn tỷ khi phân bổ tiếp phải trình Quốc hội, UBTVQH cho ý kiến trước khi thực hiện như các dự án quan trọng quốc gia: đường cao tốc Bắc Nam, dự án chống ngập TP.HCM, phần vốn bổ sung cho chương trình biển Đông - Hải đảo, phần vốn bổ sung vốn điều lệ và cấp bù lãi suất tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đầu tư tuyến đường ven biển từ Hải Phòng đến Nghệ An theo hình thức PPP, tiền thu từ bán đất và tài sản trên đất của các bộ, ngành trung ương...
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng
“Còn lại hơn 12 nghìn tỷ là của các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. Chính phủ yêu cầu các dự án này phải hoàn thiện thủ tục trước ngày 30-9, sau thời gian này, toàn bộ số vốn chưa đủ thủ tục đầu tư thu hồi về dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Hiện tại số vốn phải thu hồi về dự phòng chung kế hoạch đầu tư công chung hạn mới là 15,6 tỷ đồng”- ông Dũng cho hay.
Tồn vốn, do dự án chậm
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, nguyên nhân xảy ra tình trạng giải ngân vốn chậm là do chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt. Có dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi kế hoạch vốn; có dự án không có khả năng cân đối vốn phải điều chỉnh lại…
“Một số cơ quan, đơn vị chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư công chưa nghiêm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc tiêu chí Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Từ đó phải điều chỉnh kế hoạch giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn, việc đánh giá kiểm tra kế hoạch chương trình dự án thực hiện chưa sát sao, đầy đủ” – ông Dũng nói.
Trước giải trình trên, ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực – UBTCNS cho rằng báo cáo mới nêu hiện trạng bất cập, chưa nêu phương hướng giải quyết. Ông đặt câu hỏi: “Sau hai năm triển khai, hiện đang còn 80 nghìn tỷ của các dự án trọng điểm quốc gia chưa giải ngân được. Vướng mắc do đâu, tại sao không triển khai được và bao giờ giải ngân được?”
Bộ trưởng Dũng giải trình: “80 ngàn tỷ của các dự án trọng điểm quốc gia có khoảng 10 ngàn tỷ chống ngập cho TPHCM. Chúng tôi đã yêu cầu rất nhiều lần để TPHCM thực hiện thủ tục triển khai, nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa xong, vẫn chưa có báo cáo chính thức nên khó giao vốn”.
Cũng theo ông Dũng, 70 nghìn tỷ còn lại, Bộ GTVT kiến nghị thực hiện 15 ngàn tỷ cho 4 dự án của ngành đường sắt và các dự án bị đình, giãn hoãn, còn 55 ngàn tỷ đồng đưa vào các dự án cao tốc Bắc-Nam. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang báo cáo Chính phủ và sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.
Liên quan đến 10 nghìn tỷ chống ngập cho TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết: “Dự án chống ngập tại TPHCM gồm 36 tiểu dự án. Ngày 29-7, TP đã gửi hồ sơ lên Bộ KHĐT để thẩm định. Ngày 19-9, Bộ KHĐT đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”. Nội dung này cũng được Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông xác nhận tại phiên giải trình.