Từ đầu tháng 5-2021, VPF cho tạm dừng các giải bóng đá chuyên nghiệp đến đầu tháng 8, tự họp HĐQT với quyết định dời V-League và giải hạng Nhất sang năm sau vì không thể hủy. Sau khi bị nhiều CLB phản ứng dữ dội vì cho rằng VPF không tôn trọng, họ mới báo cáo VFF và lấy ý kiến 27 CLB (hạng Nhất và V-League) hoãn đến tháng 2-2022 chứ không hủy.
Tranh biếm của họa sĩ LEO khi VPF ra đời đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đáng nói là tám CLB đang chơi V-League phản đối phương án này, trong khi một số CLB không có ý kiến thì được cho là đồng thuận. Những mong muốn VPF tìm ra giải pháp thích hợp hơn, cuối cùng vẫn không có. Ngày 21-8, sau nhiều đề nghị cầu cứu của CLB muốn hỗ trợ kinh phí duy trì đội bóng, VFF họp Thường trực và Ban chấp hành đi đến hủy giải.
Cuộc họp của VPF với các CLB nhằm thông qua nghị quyết của VFF sau đó biến thành một cuộc “đấu tố” với những ý kiến phản ứng các nhà tổ chức dữ dội. Chủ tịch CLB Phố Hiến - ông Vũ Tiến Thành nói thẳng VPF làm khổ các CLB, bởi lẽ nếu có những giải pháp tốt hơn, thay vì chỉ áp đặt sang năm đá tiếp thì đội bóng đã chủ động có những phản ứng phù hợp.
Ba tháng trôi qua trong mùa dịch bệnh COVID-19 mới có quyết định cuối cùng hủy giải, CLB giải tán cũng dở vì cầu thủ chẳng biết đi đâu, giữ lại không xong vì không biết đến bao giờ bóng mới lăn trở lại.
Chủ tịch CLB Hải Phòng - ông Văn Trần Hoàn chỉ trích VPF không đếm xỉa gì đến tâm tư, nguyện vọng của các CLB, vẫn quyết định lùi V-League đến tháng 2-2022 khiến mỗi CLB tốn hàng chục tỉ đồng để duy trì đội ngũ. Quyết định hoãn giải đấu thể hiện sự độc đoán trong khi VPF không hỏi han, động viên CLB một lời, theo kiểu “sống chết mặc bay”.
HLV kỳ cựu Vũ Tiến Thành nói rõ hơn, VFF đang ngộ nhận vai trò “tổ chức sự kiện” của mình nhưng tự cho cái quyền đứng trên các CLB, muốn làm gì thì làm. Ông Thành chỉ ra việc Chủ tịch VPF Trần Anh Tú kêu gọi tài trợ hoặc bỏ tiền cho giải đấu để quyết định duy trì quyền lợi VPF nhưng các CLB không cần điều đó: “Chúng tôi dư sức đi tìm các nhà tài trợ và sẵn sàng bỏ tiền ra thuê những nhà tổ chức sự kiện, điều hành các giải đấu chuyên nghiệp hơn”.
Ngay trước cuộc họp trực tuyến với đại diện 27 đội bóng, VPF có gửi công văn cảnh báo CLB không công kích, bôi nhọ, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bóng đá Việt Nam, uy tín các nhà tổ chức. Ông Văn Trần Hoàn phản pháo: “Tôi nghĩ thế này, điều đầu tiên, hãy nghiêm túc nhìn nhận lại xem, mình có “uy tín” để người ta có thể “bôi nhọ, hạ thấp” hay không? VPF từ chỗ được các CLB lập nên và nuôi dưỡng, nay trở thành công ty gia đình”.
Với đà này, nếu không được chấn chỉnh hoặc khắc phục thì VPF, tổ chức do các đội bóng thành lập, lại trở thành “đối thủ” của các CLB thì tiêu chí thành lập VPF như ý tưởng ban đầu đã đổ vỡ.•
Cần tổ chức đại hội bất thường bầu lại lãnh đạo VPF Bầu Đức cho biết VPF không tôn trọng CLB. Ông bầu phố núi nhấn mạnh: Cần tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu lại các chức danh lãnh đạo khi có quá nhiều ý kiến CLB phản ứng. Ông Vũ Tiến Thành đồng tình với việc tái cấu trúc bộ máy VPF với những cá nhân không theo kịp sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ông Thành cũng không chấp nhận việc Chủ tịch VPF Trần Anh Tú có chân ở Thường trực VFF, ủy viên Ban chấp hành VFF, nên không thể tránh khỏi vừa đá bóng vừa thổi còi. TT |