Sáng 3-11, không đồng tình với lý giải của Ban giám hiệu Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP.HCM) về chất lượng bữa ăn bán trú vào ngày 2-11, hơn 100 phụ huynh tiếp tục kéo đến trường phản đối. Họ yêu cầu ban giám hiệu phải đối thoại về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh và nguồn gốc thực phẩm. Lực lượng dân phòng và công an đã có mặt để giữ trật tự.
Nhiều học sinh về nhà than đói, đau bụng
Nhiều phụ huynh cho rằng đã phản ánh với trường về chất lượng bữa ăn bán trú không đảm bảo nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Đa số học sinh đi học về thường than đói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, một phụ huynh, bức xúc: “Chuyện bữa ăn chỉ là giọt nước tràn ly. Tôi bức xúc về mọi vấn đề của nhà trường từ khi bắt đầu đi vào hoạt động cho tới nay. Cụ thể, thu chi tài chính không minh bạch vì tất cả khoản thu đều cao hơn các trường khác nhưng nhận lại chất lượng quá thấp. Trong khi đó, về bữa ăn bán trú, các nguyên liệu không rõ ràng. Về chất lượng bữa ăn, tôi mong có một cuộc họp với Sở GD&ĐT vì chúng tôi đã mất lòng tin với hiệu trưởng nhà trường. Chúng tôi đã từng họp với hiệu trưởng nhưng họ không cầu thị, không lắng nghe”.
Là thành viên ban đại diện phụ huynh giám sát bữa ăn bán trú, chị Lê Thị Truyền, phụ huynh học sinh lớp 1, cho hay chị thường nhận được phản ánh của phụ huynh về việc học sinh đi học về thường than đói, đau bụng.
Ngày 23-10, ban đại diện phụ huynh đã thành lập đoàn giám sát bếp ăn, chị có tham gia. Theo đó, cứ 5 giờ sáng, chị Truyền đã có mặt tại trường để kiểm tra nguyên liệu. Có những ngày thực phẩm mang đến đạt yêu cầu, có ngày không được như ý. Đáng chú ý, nguồn gia vị, nguyên liệu bếp ăn sử dụng toàn những thương hiệu lạ.
“Tôi đề xuất với bếp nhưng họ chỉ thay đổi một số ít. Có những ngày tôi nhận thịt, cá, cứ 10 bịch cá thì có ba bịch không tươi ngon. Tôi đã cho nhà bếp thời gian, cơ hội sửa đổi nhưng không thấy họ thực hiện. Cao điểm nhất là ngày thứ Sáu, 5 giờ kém tôi tới nhận hai thùng giò mọc thì hóa đơn chỉ có 64.000 đồng, tôi thắc mắc nhà bếp cũng không giải thích. Chúng tôi rất lo lắng khi con em phải ăn những thực phẩm như thế” - chị Truyền trình bày.
Cũng theo chị Truyền, sáng 3-11, phụ huynh tiếp tục đến trường với mong muốn đối thoại với hiệu trưởng để có câu trả lời rõ ràng về chất lượng bữa ăn.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi trong bữa ăn bán trú vào trưa 3-11. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi.
Hiệu trưởng hứa khắc phục
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, cho biết: “Sự việc phụ huynh đưa những hình ảnh rau thối, dập lên mạng là sơ suất của trường khi hôm qua không có ban giám hiệu đi tiếp phẩm. Vấn đề này chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và giám sát chặt chẽ trong thời gian tới”.
Cũng theo bà Hương, sau phản ánh của phụ huynh, ngay trong tối 2-11, bếp ăn đã thay đổi nguồn gia vị và các nguyên liệu đều từ các thương hiệu có uy tín. Trưa nay, bữa ăn của học sinh không còn để trong tô nữa mà được đựng trong một cái khay gồm các món khác nhau. Thực đơn cũng đã được cải thiện, sẽ gồm các món canh, mặn, xào. Các món ăn cũng đã được cải thiện.
“Sắp tới, nhà trường sẽ công khai bữa ăn rõ ràng để phụ huynh tin tưởng nhà trường. Về bữa ăn, ngoài việc chụp ảnh báo cáo với phòng, trường sẽ chụp ảnh để phụ huynh nắm. Bên cạnh đó, trường cũng sẽ thực hiện phiếu khảo sát đối với học sinh để biết được nhu cầu của các em về bữa ăn và có sự thay đổi” - hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trước đó, rạng sáng 3-11, bà Hương đã viết thư ngỏ gửi đến phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, toàn bộ thư xin lỗi không đề cập đến tình trạng bữa ăn dành cho học sinh không đủ chất dinh dưỡng như phụ huynh đã phản ánh mà chỉ nói đến “một sự cố” rau củ mà nhà bếp tiếp nhận bị dập và nhận lỗi về sự cố này.
“Bữa ăn mà phụ huynh phản ánh đúng là không đủ chất”
Về phía Phòng GD&ĐT quận 9, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng, cho hay sự việc xảy ra ở Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, quận 9 là một sự cố hết sức đáng tiếc.
Bà Hiền cho hay những hình ảnh rau, củ, quả mà phụ huynh chia sẻ trên mạng đều đã được loại bỏ, không đưa vào chế biến cho học sinh. Theo bà Hiền, trong ngày 2-11, khi trao đổi với phụ huynh, hiệu trưởng chưa cung cấp thông tin một cách kịp thời. Đồng thời, phải thẳng thắn thừa nhận rằng cách giải quyết và cách trả lời của hiệu trưởng chưa đáp ứng được mong muốn của phụ huynh.
Về việc phụ huynh phản ánh bữa ăn chỉ có canh, trứng và chuối, không có rau, đó đúng là thực đơn không đảm bảo chất lượng. Bởi thực đơn cần phải có đầy đủ món canh, món mặn và xào để đảm bảo chất dinh dưỡng cho các em.
Cũng theo trưởng Phòng GD&ĐT, ngoài việc xây dựng thật tốt mối quan hệ tương tác với phụ huynh, nhà trường phải công khai, minh bạch bữa ăn. Ngoài công khai thực đơn đến phụ huynh học sinh, nhà trường cũng cần công khai luôn nguyên vật liệu đã sử dụng.
“Tôi xin rút kinh nghiệm để công tác chỉ đạo các trường trên địa bàn quận 9 được thực hiện một cách tốt hơn trong thời gian tới” - bà Hiền nói.
Kinh nghiệm giám sát bữa ăn học sinh giữa nhà trường và ban đại diện phụ huynh Trước khi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn, nhà trường thành lập tổ chuyên trách, thành phần gồm: Đại diện nhà trường; ban đại diện cha mẹ học sinh; phụ huynh học sinh. Nội dung kiểm tra: Nguồn thực phẩm, quy trình chế biến, công tác vệ sinh, lưu mẫu, công tác bảo quản sau chế biến, công tác chia và vận chuyển suất ăn tới trường. Tại trường có khu ăn bán trú riêng. Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM Nhà trường phải khắc phục trên tinh thần cầu thị Nhà trường phải nghiêm túc ghi nhận trên tinh thần cầu thị. Nhà trường cần phải lắng nghe, ghi nhận, kịp thời điều chỉnh thực đơn phù hợp. Nhà trường và cô hiệu trưởng cần hết sức quan tâm để cùng với phụ huynh học sinh có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục học sinh. Bà NGUYỄN THỊ THU HIỀN, Trưởng phòng GD&ĐT quận 9, TP.HCM |