Vụ đấu giá 74 tỉ đồng từ thiện ảo: Thu vốn trước, có dư mới làm từ thiện

Sáng 27-11, hoa hậu Mai Phương Thúy và Công ty Quốc Huy Anh đã họp báo trao đúng 20.000 USD và 100.000 quyển tập cho Hội Chữ thập đỏ như đã công bố. Đồng thời, công ty này đóng góp thêm 100 triệu đồng chia sẻ sự mất mát với đồng bào gặp nạn trong thảm họa tại Campuchia.

Tuy nhiên, với sự có mặt của bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và ông Đinh Gia Diên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đá quý Gia Gia, đơn vị chính thực hiện đêm hội, buổi họp báo đã đổi chủ đề, báo chí tập trung đặt vấn đề về trách nhiệm tổ chức đêm hội và số tiền chính xác đồng bào bị lũ được hưởng từ đấu giá từ thiện…

Tự định giá vốn trên trời!

Các phóng viên báo chí đã yêu cầu làm rõ ý nghĩa thông tin ông Diên luôn phát biểu trên các phương tiện truyền thông “tổng số tiền đấu giá là 73,9 tỉ đồng dành để cứu trợ đồng bào bị lũ lụt”. Có phải chủ nhân các món vật đấu giá sẽ thu số tiền vốn mà họ định giá cho món vật, dư mới góp từ thiện?

Vụ đấu giá 74 tỉ đồng từ thiện ảo: Thu vốn trước, có dư mới làm từ thiện ảnh 1

Từ trái qua: Bà Bích Ngọc - đại diện Công ty Quốc Huy Anh, hoa hậu Mai Phương Thúy, Chủ tịch
Hội Chữ thập đỏ TP.HCM Nguyễn Thị Huệ và ông Đinh Gia Diên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần
đá quý Gia Gia tại buổi họp báo sáng 27-11 tại TP.HCM. Ảnh: Hòa Bình

Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Hội Chữ thập đỏ không biết gì về khâu tổ chức. Anh Diên nói với tôi, chị chỉ đến ngồi đó và nhận tiền mang về. Đúng là các chủ nhân sẽ nhận lại tiền vốn họ định giá cho món vật, dư mới làm từ thiện. Nếu tính hết số vốn các món vật, tiền chi phí và việc đấu giá thành công thu được 73,9 tỉ đồng, người dân vùng lũ cũng chỉ nhận được trên dưới 20 tỉ đồng!”.

Trước những câu hỏi về giá gốc trên hợp đồng từ thiện, giá trị thật của bộ Tứ linh hội tụ, tại sao bộ Tứ linh hội tụ lại có mặt trong buổi đấu giá, tại sao chủ nhân của bảo vật này lại đòi công ty thắng đấu giá giao tiền thẳng cho họ, ông Diên đã trả lời lòng vòng. Theo ông Diên: “Đến tận sát giờ diễn ra đêm hội, vẫn không thấy phía đại diện của chủ bộ tứ linh (Công ty Asean C&C) đến ký hợp đồng về giá. Công ty này tự tìm đến chúng tôi đặt vấn đề đưa bộ tứ linh vào đấu giá. Chúng tôi không biết ông Hà là chủ bộ tứ linh”.

Thu thật chỉ có 500 triệu đồng

Với những câu hỏi tại sao không mời một công ty đấu giá chuyên nghiệp tham gia khi số hiện vật được bán có mức giá khởi điểm quá lớn, đến 2 triệu USD, ông Diên trả lời: “Đây là đấu giá từ thiện nên mình cần lòng tin và tính tự giác của người mua. Chuyện đấu giá hồi nào giờ cũng đâu có gì rõ ràng đâu…”. Phóng viên báo Lao ĐộngNgười Lao Động đã viện dẫn báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26-11 thông tin việc MC không được dặn không nhận đấu giá qua điện thoại để chất vấn ông Diên, làm rõ ai phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Ông Diên vẫn tiếp tục bảo rằng MC và ban tổ chức đã thống nhất không nhận đấu giá qua điện thoại. ông Diên né tránh: “Không nên tranh cãi việc này nhiều, không nên quy trách nhiệm về ai vì rất mất thời gian. Báo chí nên tập trung lên án những người không có lương tâm đấu giá ảo”.

Theo bà Huệ, đến nay hội chỉ nhận được 100 triệu đồng của một công ty được xướng tên đóng góp tại đêm hội, 400 triệu đồng của một công ty không có mặt tại đêm hội trao tặng sau đó. Mọi hứa hẹn, cam kết khác, kể cả 1 tỉ đồng cam kết của Công ty Gốm sứ Bảo Long sau khi từ chối mua bộ tứ linh… đến nay vẫn chưa có đồng nào.

Tiền đấu giá và số tiền làm từ thiện (theo dự kiến)

- Bộ Tứ linh hội tụ: Đấu giá 47,9 tỉ đồng. Chủ và các bên hợp đồng thu 40 tỉ đồng. Đóng góp từ thiện 7,9 tỉ đồng.

- Chiếc Trống đồng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội: Đấu giá 12 tỉ đồng. Chủ thu 6 tỉ đồng. Đóng góp từ thiện 6 tỉ đồng.

- Viên Hồng ngọc bảo quốc. Đấu giá 11 tỉ đồng. Chủ thu 4 tỉ đồng. Đóng góp 7 tỉ đồng.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm