Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng Võ Văn Thương trả lời tại buổi họp báo.
Sáng 9-4, tại cuộc họp báo thường kỳ do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, trả lời các câu hỏi của PV, ông Võ Văn Thương (Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng) cho biết, về con đường bộ chạy lên đỉnh Bà Nà (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) bị hạn chế sử dụng thực tế là khuyến cáo của UBND TP Đà Nẵng.
Cụ thể con đường này do UBND TP Đà Nẵng đầu tư và quản lý, trong đó Sở GTVT TP và UBND huyện Hòa Vang là đơn vị trực tiếp được giao nhiệm vụ quản lý con đường. “Tuy nhiên vì vấn đề an toàn nên TP đã khuyến cáo người dân không nên đi lại trên con đường. TP chỉ khuyến cáo thôi chứ không cấm. Ngoài vấn đề an toàn cho người dân, du khách thì con đường này còn phục vụ các vấn đề khác của TP như bảo vệ rừng, chuyên chở vật lên xây dựng trên đỉnh Bà Nà. Vì sự an toàn của người dân và cũng vì đường đã xuống cấp nên TP mới khuyến cáo. Nếu đơn vị nào ngăn barie cấm đường là không đúng, vì tuyến đường này là của TP, Sở GTVT quản lý”, ông Võ Văn Thương cho biết.
Đây là con đường trước đây được TP đầu tư và du khách vẫn đi phượt để lên đỉnh chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của Bà Nà-Núi Chúa và tận hưởng không gian nghỉ dưỡng nơi đây.
Cũng tại cuộc họp báo, các PV đã chất vấn việc ông Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) trong thời gian còn đương chức đã có chủ trương cho phép cải tạo đất tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Tuy nhiên, sau khi có chủ trương này thì những đơn vị, người dân đã đem đất đi bán với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Sự việc gây bức xúc trong dư luận.
Trả lời vấn đề trên, ông Võ Văn Thương cho biết, hiện nay Sở TN&MT TP cùng với huyện Hòa Vang đang kiểm tra, rà soát lại sáu trường hợp mà ông Văn Hữu Chiến đã ký đồng ý về chủ trương cải tạo đất. Kết luận cuối cùng sẽ được Sở TN&MT báo cáo cụ thể vào tuần tới.
“Việc TP giải quyết chủ trương cho người dân cải tạo đất để sản xuất là không sai, tuy nhiên trình tự thủ tục thực hiện là không đúng, chưa đúng. Đáng lẽ huyện Hòa Vang sau khi có chủ trương phải phối hợp với Sở TN&MT mời người dân đến hướng dẫn, làm đầy đủ thủ tục, cam kết về môi trường…sau đó mới cấp phép khai thác. Nhưng huyện lại bỏ qua việc này, sau khi có chủ trương, chưa được cấp phép thì người dân đã khai thác ngay. Sau khi phát hiện, báo chí phản ánh thì TP đã yêu cầu tạm dừng việc khai thác này để xem xét lại”, ông Thương nói.
Cũng theo Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, TP sẽ tổng rà soát lại việc khai thác đất đồi, nếu đơn vị nào không đảm bảo sẽ bị rút giấy phép khai thác. Ông Thương cũng cho hay, việc thực hiện cải tạo đất không đúng trước hết là thuộc về sáu trường hợp được TP đồng ý về chủ trương và UBND huyện Hòa Vang. “Hiện UBND TP đã yêu cầu huyện Hòa Vang kiểm điểm về việc thực hiện không đúng chủ trương này”, ông Thương nhấn mạnh.
Các ban quản lý dự án không thừa nhận dấu 17.000 lô đất đối với lãnh đạo TP Đà Nẵng mà đây là những sai sót về thống kê chưa sát.
Về việc cán bộ nhân viên tại 17 ban quản lý các dự án đã “ém nhẹm” 17.000 lô đất tái định cư không báo cáo cho lãnh đạo TP mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ông Võ Văn Thương cho hay: “TP đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, các quận, huyện và ban quản lý dự án tiến hành kiểm điểm về việc này. Hiện các ban quản lý dự án đã có bản báo cáo kiểm điểm về trách nhiệm để xảy ra việc thừa 17.000 lô đất trên gửi UBND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, các đơn vị đã nộp kiểm điểm nhưng không thừa nhận giấu đất. Việc để thừa đất như vậy là do chưa nắm hết số liệu, thống kê chưa sát nên thừa đất tái định cư mà không biết”.
Ông Thương, khẳng định : “Về việc ai giấu, giấu như thế nào đối với 17.000 lô đất này TP sẽ kiểm tra và xử lý. Từ những kiểm điểm mà các ban đã gửi, TP sẽ có hướng xử lý tiếp theo đối với các trường hợp này”.