Sau khi thông tin bài báo khoa học có tên của GS. Hà Huy Bằng bị rút, Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh của độc giả cho biết vi Phó Khoa Vật lý này đã từng “hụt” một lần xét chức danh Giáo sư vào năm 2010.
Về thông tin này, GS Hà Huy Bằng cho rằng, năm 2010 ông có nộp hồ sơ xét chức danh Giáo sư, tuy nhiên thời điểm đó số điểm để được công nhận là Giáo sư đã vượt khá xa (52,3 điểm so với tiêu chuẩn là 12 điểm). Cũng tại thời điểm đó khi biết được Lê Đức Thông gửi bài cho các tạp chí quốc tế, ông đã làm một bản tường trình gửi Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Vật lý đề ngày 28/10/2010 để nói rõ lí do mình không tham gia nội dung trong hai bài báo mà Thông đã gửi đi.
Trong nội dung bức thư GS Bằng gửi Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Vật lý có đoạn:“Về hai bài báo đồng tác giả với Lê Đức Thông với các tiêu đề: Constraining the cosmological time variation of the fine structure constant” đăng ở Astrofizika, vol.53, No3, pp. 493-500, gửi đăng ngày 20/4/2010. Và bài: Search for time variation of the fine -structure constant using emission lines, gửi đăng ngày 23/10/2010. Hai bài báo này được gửi tới tòa soạn với bản thảo không có tên tôi. Đến khoảng đầu tháng 6, cô Nguyễn Thị Hương là nghiên cứu sinh của tôi có đề nghị tôi tham gia nghiên cứu và cho ý kiến về các vấn đề mà cô và một số người bạn của cô đang làm. Tôi đã đề xuất các ý tưởng, đồng thời giúp cho nhóm nghiên cứu tính toán chính xác hơn ngưỡng bị chặn của số liệu về hằng số anpha…
Thư của trang mạng OnlineFirst gửi những người liên quan về việc rút bài báo khoa học. Trong đó nói rõ việc đạo văn.
Đến khoảng cuối tháng 6/2010, tôi được biết hai bài báo này đã được đăng và có tên của tôi là đồng tác giả. Khi đó tôi mới biết rằng tác giả thứ nhất của hai bài báo là Lê Đức Thông, do thấy đóng góp của tôi là quan trọng nên đã đề nghị tòa soạn bổ sung tên tôi vào bản thứ hai và đã được chấp nhận… Tôi không liên quan tới nội dung và cách viết hai bài báo trên xuất hiện trong bản thảo đầu tiên. Tất cả những nội dung do tôi làm, viết ra và đóng góp trong hai bài báo đều hoàn toàn mới và không lấy ở đâu cả…"GS. Bằng cho biết, lúc đó bức thư này chuẩn bị gửi lên Hội đồng thì GS. Bạch Thành Công – Chủ tịch Hội đồng cơ sở, đồng thời là Trưởng Khoa Vật lý (Trường ĐH KHTN) nói rằng: Chưa cần thiết. Do vậy mới dẫn đến việc GS Bằng chưa được công nhận tại thời điểm đó là năm 2010. Sau khi sự việc được Báo Giáo dục Việt Nam phản ánh, GS. Bằng thông tin rằng: “Thực ra, chuyện này mọi người quan tâm đã biết từ trước nên tôi chủ yếu nhận được những ý kiến chia sẻ mà không có áp lực gì”. GS. Hà Huy Bằng cũng nhận định, sự việc xảy ra có lỗi của Lê Đức Thông: “Cũng như báo chí đã từng đề cập trước đó (năm 2010 Lê Đức Thông bị rút bài đầu tiên), lỗi của Thông là lỗi của một người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là chưa được đào tạo bài bản, nên tôi cũng buồn nhưng không trách Thông. Vả lại, có trách cũng không giải quyết được vấn đề gì, vấn đề là Thông cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc qua những sự việc như thế này”. Để có cái nhìn bao quát về vụ việc, chúng tôi đã liên lạc với giảng viên Nguyễn Thị Thu Hương - người có tên trong bài báo bị rút, đồng thời cũng là vợ của Lê Đức Thông. Qua trao đổi, chị Hương cho biết, chưa được nghe những chuyện liên quan tới chồng là Lê Đức Thông trong thời gian gần đây, ngoài những gì trước đây khi sang Đức đã chứng kiến. “Có lẽ là do tôi đã không còn quan tâm tới việc liên quan tới anh Thông nữa. Và có thể nói là tôi đã quên gần hết sự việc”, chị Hương chia sẻ. Theo chị Hương, sai lầm của chồng bà là sai lầm của một nhà khoa học trẻ. Chị tỏ ra lấy làm tiếc cho bản thân và cho cả GS. Hà Huy Bằng đã tin tưởng vào chồng mình, trong khi chưa hiểu hết cách suy nghĩ của chồng. “Tôi đã không thể tưởng tượng nổi có thể tồn tại một con người với suy nghĩ nông cạn, hời hợt và làm việc cẩu thả đến thế”, chị Hương nói. Trước thông tin GS. Hà Huy Bằng có dính líu tới chuyện “đạo văn” trong bài báo: Search for time variation of the fine -structure constant using emission lines, chị Hương thẳng thắn cho rằng, GS Bằng chỉ tham gia hoàn thiện bài báo sau khi đã được Accepted (bài báo đã duyệt). Về những cộng sự tham gia trong bài báo khoa học trên, chị Hương thông tin chị không đứng tên trong bài báo này và GS. Bằng cũng vậy. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hương cho biết, từ khi còn là bạn thì đã nhiều lần nhắc Lê Đức Thông cần chính xác, cẩn trọng với ngôn từ trước khi gửi báo quốc tế. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng các anh sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng nổi tôi đã ức chế như thế nào khi mọi góp ý của tôi cuối cùng đã bị bỏ qua, mặc dù trước đó thì anh Thông gật gật gù gù, ừ ừ đồng ý với tôi, khiến tôi tin tưởng và đinh ninh mọi việc theo đúng ý mình rồi. Tôi cũng đã không thể tưởng tượng nổi điều này! Tôi đã không thể hiểu tại sao anh ấy vẫn giữ nguyên những gì là "của anh ấy"! và tôi chỉ vỡ lở ra điều này sau khi mọi việc đã không còn thay đổi được nữa”, chị Hương phân trần. Tính tới thời điểm bài báo của Lê Đức Thông và các cộng sự bị rút vừa qua, đây không phải là lần đầu tiên Lê Đức Thông biết mình sai mà không sửa, tiếp sau đó Thông vẫn gửi các bài khác ra nước ngoài. Nguyên nhân này ở đâu? Theo chị Hương, Lê Đức Thông gửi bài đăng tạp chí quốc tế có nhiều mục đích, trong đó có mong muốn về danh tiếng, thuận lợi cho việc làm ở nước ngoài, chứ không phải là người tham tiền. “Tiếc là anh ấy muốn những điều tốt đẹp nhưng hành động lại dẫn tới sự tự hủy diệt. Và đã không ai ngăn cản được sai lầm của anh ấy, ngay cả tôi”, chị Hương cho biết.
Theo Xuân Trung (GDVN)