Thời điểm doanh nghiệp nọ “mua độc quyền nhạc Trịnh” rơi vào đúng mùa nhạc Trịnh ở Hà Nội với vô vàn chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ để tưởng nhớ vị nhạc sĩ tài hoa. Rơi vào thế khốn đốn là chương trình cùng tên với chương trình của công ty tổ chức biểu diễn kia, Ru tình của LĐ Xiếc VN và đối tác là Mediamax tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 7-8/3.
Cố NS Trịnh Công Sơn và em gái Vĩnh Trinh năm 1968.
Bởi trong điều khoản hợp đồng giữa bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn ghi: "Không đồng ý cho phép bất cứ đơn vị nào sử dụng tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang ra biểu diễn thu lợi nhuận ở Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các nhà hát và các sân khấu ca nhạc tại thành phố Hà Nội từ ngày 10/2 đến 10/3".
Trước đó đơn vị tổ chức Ru tình của LĐ Xiếc VN và đối tác là Mediamax cũng đã đóng phí tác quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Chỉ đến khi bà Trịnh Vinh Trinh quyết kiện đến cùng để nhà tổ chức show Ru tình tại Cung Văn hóa Hữu nghị HN phải bị rút giấy phép thì Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới ngã ngửa ra là mình đã thu bừa tiền.
Lập tức trung tâm này đánh công văn yêu cầu đơn vị tổ chức show Ru tình tại Cung văn hóa hữu nghị phải đến nhận lại tiền. Một chuyện thật như đùa xảy ra với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Đêm nhạc Ru tình độc quyền của IB Group
Mắc vào tình huống “sống dở chết dở” và mất hết cả uy tín trên là bởi có chuyện bà Trịnh Vinh Trinh xưa nay luôn tìm cách thu tiền tác quyền triệt để. Để không bỏ sót, bỏ phí một show diễn nào, ngoài việc bà Trinh trực tiếp đi thu tiền thì bà còn ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Và khi ký hợp đồng bán độc quyền các ca khúc của Trịnh Công Sơn trong vòng một tháng từ 10/2 – 10/3 với Interbank, bà Trịnh Vĩnh Trinh cũng không báo lại cho phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đơn vị đã được bà ủy nhiệm cho thu tác quyền trên địa bàn Hà Nội, khiến phía trung tâm này bị rơi vào thế hớ.
Chuyện càng thêm rùm beng khi bà Trịnh Vĩnh Trinh quyết làm to chuyện. Bà Trinh gửi đơn đi “cầu cứu” khắp các cửa vì cho rằng hình ảnh, tên tuổi của cố nhạc sĩ bị xúc phạm. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những tranh cãi về tiền tác quyền với những tác phẩm do Trịnh Công Sơn để lại. Bà Trinh trước đó từng rất nhiều lần lên báo kêu nhạc của anh mình đang bị người ta lợi dụng để làm giàu trái phép, rồi bà đặt ra cái giá tác quyền ở mức 300.000đ – 500.000đ/bài hát,…
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ hiếm hoi đã tạo ra được một dòng nhạc riêng. Hẳn, Trịnh Công Sơn lúc sinh thời sẽ không bao giờ nghĩ, có người lại sở hữu độc quyền các tác phẩm của mình. Và với một người sống vô vi và đầy triết lý như ông lúc sinh thời, hẳn cũng rất không tưởng tượng ra cái cảnh người ta chỉ cần mất 20 triệu để sở hữu toàn bộ tác phẩm của ông. Vì thế, người ta cũng có quyền cấm tất cả mọi người không được hát nhạc Trịnh, ngoài họ.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh, và các anh chị em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có đầy đủ quyền được sử dụng và quản lý các tác phẩm âm nhạc của anh mình. Theo Công ước Berne, bà và gia đình có quyền sở hữu và hưởng tác quyền từ các tác phẩm nhạc Trịnh tối thiểu 50 năm sau khi vị nhạc sĩ tài hoa này mất.
Quyền lợi của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được pháp luật bảo hộ. Và họ hoàn toàn có quyền muốn làm gì với số di sản âm nhạc mà nhạc sĩ này để lại cũng được.
Đồng ý sẽ phải làm đúng luật, và phải làm nghiêm. Nhưng với những ứng xử nặng nề về tác quyền như hiện nay từ phía gia đình Trịnh Công Sơn, liệu nhạc Trịnh sẽ còn là di sản chung của toàn thể những người yêu nhạc Trịnh. Và, người thiệt thòi không ai khác chính là những tín đồ của Trịnh.
Có đáng không? Lẽ nào cái tên Trịnh Công Sơn lại rẻ đến thế?
Theo Đàm Mộng Hoài (VTC News)