Vụ Trường Quốc tế Á Châu: Hành xử phải vì quyền lợi của trẻ

Ba phụ huynh có con học tại Trường Quốc tế Á Châu (TP.HCM) vừa gửi đơn cứu xét lên Sở GD&ĐT TP.HCM về việc trường không tiếp nhận các con của họ trong năm học mới 2021-2022. Đơn cứu xét có ba phụ huynh đồng ký tên là NTNT, NLH và VTN. Trong đó, chị N. có ba con học tại trường này, chị T. có hai con.

Dù kiến nghị dừng tăng học phí không được nhà trường chấp nhận,
các phụ huynh vẫn muốn con em mình tiếp tục học
tại Trường Quốc tế Á Châu này. Ảnh: BPA

Sáu học sinh bị từ chối

Theo nội dung đơn, từ ngày 9-5, các phụ huynh này đã đồng ý ký tên đăng ký cho con tiếp tục học ở Trường Quốc tế Á Châu năm học 2021-2022. Tuy nhiên, khi thấy học phí năm tới tăng đến 15% trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra, khoảng 1.200 phụ huynh đã ký vào đơn kiến nghị gửi nhà trường để được xem xét, giải quyết.

Sau đó, bảy phụ huynh đại diện cho nhóm phụ huynh có buổi gặp gỡ với đại diện nhà trường hai lần, vào ngày 12 và 20-5 để hai bên trình bày quan điểm. Cả hai lần gặp gỡ này hai bên đều không đồng thuận.

Tiếp đó, ba phụ huynh T., H. và N. bất ngờ nhận được thư từ chối nhận học phí của phụ huynh đóng cho con vào năm học 2021-2022. Thư (do bà Lê Hồng Tố Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Á Châu ký) nêu: “Nhà trường luôn quan tâm, lắng nghe và trân trọng ý kiến của phụ huynh học sinh (HS), đã tiếp đón các nhóm đại diện phụ huynh vào các ngày 12, 20-5-2021, giải trình học phí cho năm học tới, mong phụ huynh chia sẻ, vì mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững chất lượng của trường nhưng quý ông bà vẫn tiếp tục khiếu nại khắp nơi”.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, chị N. cho biết chị có ba con đang học tại trường, một bé sang năm học lớp 7, một bé lớp 5 và một bé lên lớp 2. Chị rất sốc và buồn khi nhận thư của nhà trường vì ngay từ đầu chị đã quyết định đăng ký cho ba con tiếp tục học ở trường trong năm tới.

“Những năm qua, các con tôi học rất tốt, nhà trường còn sử dụng hình ảnh các bé để quảng bá cho trường. Tôi kiến nghị việc tăng học phí là chính đáng, tôi cũng không bày tỏ bức xúc hay gửi đơn thư đi bất cứ đâu nhưng trường lại cáo buộc rằng tôi đi khiếu nại khắp nơi là không đúng. Trường từ chối tiền học phí và trả hồ sơ, không khác nào đuổi học các con tôi. Như thế là không rõ ràng và tôi thấy rất tổn thương” - chị N. bày tỏ.

Theo thông tin ban đầu từ các phụ huynh, học phí năm tới của trường sẽ tăng 15%-21% so với năm học trước. Với bậc tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, học phí là 12,616 triệu đồng/tháng nhưng lên lớp 4, 5 lại là 13,37 triệu đồng/tháng. Lớp 11, 12 từ 18,397 triệu đồng tăng lên 20,4 triệu đồng/tháng. Lớp 6, 7 tăng học phí từ 12,4 triệu đồng lên 14,1 triệu đồng/tháng…

Theo các phụ huynh, họ đồng ý học phí sẽ tăng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, kinh tế của mọi người. Họ mong nhà trường xem xét lại vì nếu tăng học phí sẽ khiến nhiều phụ huynh gặp khó khăn.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM về khiếu nại của các phụ huynh vụ Trường Á Châu, ông Trần Thanh Bình, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết sở đã nhận đơn thư cứu xét và nắm sơ qua sự việc từ phụ huynh. “Thanh tra sở sẽ phân công người phụ trách tìm hiểu, xác minh lại để có hướng giải quyết theo đúng quy định” - ông Bình cho hay.  

Hai bên không đồng thuận, trường bất ngờ trả hồ sơ

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh của Trường Quốc tế Á Châu, cho rằng trong các trường quốc tế, Trường Á Châu có mức học phí rất thấp, trong khi hằng năm trường đều đầu tư rất nhiều để duy trì chất lượng.

Ông Tư nói việc tăng học phí của trường luôn đi theo lộ trình, thay vì phải điều chỉnh học phí một lần, trường đã cố gắng điều chỉnh dần qua từng năm để tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phụ huynh. Do đó, sau khi cân nhắc cẩn thận tất cả các mặt, học phí năm học 2021-2022 của trường điều chỉnh tăng 11%-15%, tùy lớp học.

Ngoài ra, trường cũng có chính sách là phụ huynh đóng nguyên năm sẽ được giảm đến 10%, tức tăng 2% so với mức cũ. Nếu có con thứ hai học ở trường thì được giảm thêm 5%/em...

Về việc gửi thư từ chối nhận học phí và trả hồ sơ một số em, ông Cao Quảng Tư cho hay trường đã tiếp đón các nhóm đại diện phụ huynh vào ngày 12 và 20-5 cũng như giải trình về việc học phí năm học 2021-2022 trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Trường mong phụ huynh chia sẻ và vì mục tiêu xây dựng, phát triển bền vững chất lượng của trường.

“Tuy nhiên, một số rất ít phụ huynh vẫn tiếp tục khiếu nại khắp nơi, liên tục truyền tải những thông tin không chính xác trên mạng xã hội nhằm hạ thấp uy tín và hình ảnh của nhà trường, gây hoang mang cho các phụ huynh khác. Điều này ảnh hưởng đến môi trường học tập của các HS, ảnh hưởng đến tinh thần của giáo viên, nhân viên” - ông Tư nói.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận và hợp tác của một số rất ít phụ huynh này. Vì vậy, chúng tôi buộc lòng phải thông báo đến các phụ huynh này về việc sẽ không thể nhận tiền học phí năm học 2021-2022 để tiếp nhận HS tiếp tục học tập tại trường vào năm học tới” - ông Tư cho hay.

Theo ông Tư, trường đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ học thuật để phụ huynh có thể sớm hoàn thành việc rút hồ sơ giúp HS có thể tiếp tục học tập ở một ngôi trường khác phù hợp với yêu cầu của phụ huynh.

Hành xử cần đúng mực, vì lợi ích của trẻ

Trước tiên, với tư cách là một người mẹ, một phụ huynh, tôi lấy làm tiếc vì sự việc này. Các em là những người trực tiếp chịu hậu quả từ hành vi của người lớn. Vì vậy đòi hỏi các bên phải hành xử thận trọng và luôn đặt lợi ích của các em lên trên.

Chúng ta cần nhìn nhận sự khác biệt giữa dịch vụ công và dịch vụ tư trong giáo dục. Nhà nước (cụ thể là các trường công lập) phải bảo đảm quyền được học tập và giáo dục bắt buộc cho trẻ em như quy định tại Điều 13 và Điều 14 Luật Giáo dục. Tuy vậy, cung cấp dịch vụ giáo dục tại các trường tư thục dựa trên một cơ sở khác, đó là quan hệ dân sự mà các bên có quyền quyết định tham gia hay không.

Đối với vấn đề học phí của các trường ngoài công lập, điểm d khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục đã thể hiện nguyên tắc cho phép “cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý”. Đồng thời trường có nghĩa vụ “thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật”.

Do vậy, đồng ý với mức học phí mà trường tư thục đưa ra là một trong những căn cứ để hình thành quan hệ hợp đồng giữa các bên.

Đối với vấn đề tiếp nhận HS, trường tư thục không có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ giáo dục ngoài những gì đã cam kết với phụ huynh trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng. Vì vậy, các cam kết của trường tư thục đã có với phụ huynh là cơ sở pháp lý quan trọng để đánh giá việc từ chối tiếp nhận HS có đúng luật hay không. Cụ thể, các cam kết về quyền học tập của HS có thời hạn từng năm học hay cho cả các năm học tiếp theo.

Chúng ta cũng cần lưu ý đến một hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, đó là “kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em”. Điều luật này có thể là một gợi ý trong đánh giá hành vi của các cơ sở giáo dục liên quan đến từ chối tiếp nhận HS, không chỉ với cơ sở giáo dục tư thục.

Như vậy, một trường tư thục không tiếp nhận HS trong phạm vi các quyền được ghi nhận trong luật, phù hợp với các cam kết nếu có với phụ huynh và không có yếu tố phân biệt đối xử thì có thể coi là đúng pháp luật.

Tôi nghĩ cần đầy đủ thông tin và dữ liệu hơn mới có thể xác định trong việc này nhà trường hay phụ huynh ai đúng, ai sai, mức độ thế nào (trên cả bình diện pháp lý lẫn đạo đức xã hội).

Sự việc này là quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh nhưng đã ảnh hưởng ít nhiều tới môi trường học tập của các HS liên quan. Vì vậy, để bảo đảm lợi ích cao nhất của trẻ, dù quyết định cuối cùng có như thế nào thì lời lẽ và cách hành xử đúng mực, thích hợp là cần thiết.

TS TRỊNH THỤC HIỀN, Phó Viện trưởng Viện Pháp luật quốc tế và so sánh, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

(MINH CHUNG ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm