Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu giám đốc SCB Chợ Lớn nói không làm theo chỉ đạo sẽ bị sa thải

(PLO)- Tại phần tự bào chữa trong phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, cựu giám đốc Ngân hàng SCB Chợ Lớn Võ Triệu Lân trình bày nếu không ký hợp thức các khoản vay sẽ bị sa thải. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS) cho các bị cáo.

Theo cáo buộc, với vai trò là Giám đốc Ngân hàng SCB Chợ Lớn, bị cáo Võ Triệu Lân từ 17-7-2013 đến 29-10-2015 đã ký hợp thức hồ sơ 35 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 9.637 tỉ đồng.

Bị cáo Lân bị đề nghị 5-6 năm tù tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Vạn Thịnh Phát
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bào chữa cho bị cáo Lân, LS cho rằng cần đánh giá lại vai trò đồng phạm, giúp sức của bị cáo trong vụ án. Với vai trò là giám đốc chi nhánh, bị cáo Lân chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo SCB và muốn SCB được tái cơ cấu như bình thường.

Về khoản vay của các khách hàng tại dự án Chợ Vải liên quan đến chi nhánh SCB Chợ Lớn, bị cáo Lân không đọc được kết luận thanh tra vì đây là tài liệu mật.

Quá trình làm việc, bị cáo Lân phát hiện ra một số bất thường của các khoản vay tại SCB nên đã từ chối ký. Do không hợp tác, bị cáo Lân đã không được nhận bằng khen, giấy khen nào từ SCB.

LS đề nghị HĐXX xem xét việc bị cáo không nhận bất cứ lợi ích nào trong vụ án; vai trò thứ yếu, phạm tội trong hoàn cảnh không thể tiếp cận thông tin đầy đủ để cho bị cáo được hưởng án treo.

Tự bào chữa, bị cáo Lân trình bày, khi nhận được hồ sơ khoản vay của 18 khách hàng tại dự án Chợ Vải đã rất băn khoăn và xin ý kiến hỗ trợ từ lãnh đạo SCB.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo SCB thì phải ký chấp nhận cho vay nhằm hợp thức hóa các khoản vay, tái cơ cấu nợ cũ nên tiền không ra khỏi ngân hàng. Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách cho việc tái cơ cấu, nếu bị cáo không ký sẽ bị sa thải.

Bị cáo Lân bật khóc nói: "Mỗi ngày bị cáo luôn gặm nhấm nỗi đau, tủi nhục của bản thân về hành vi sai phạm. Mong HĐXX xem xét cho hoàn cảnh, hành vi phạm tội".

Bào chữa cho bị cáo Lê Kiều Trang (cựu Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá E Xim), LS cho rằng mức án VKS đề nghị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Trang là đúng người, đúng tội.

Vạn Thịnh Phát
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử sai phạm tại Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo cáo buộc, từ 2017 - 2019, bị cáo Trang đã trực tiếp thẩm định giá, ký thẩm định viên để Công ty E XIM phát hành 17 chứng thư nâng khống trị giá tài sản để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo. Giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm hợp thức hồ sơ vay của 11 khách hàng tại SCB, gây thiệt hại cho SCB là 984 tỉ đồng.

LS cho rằng bị cáo Trang không thỏa thuận, không bàn bạc và không biết mục đích SCB sử dụng các chứng thư thẩm định. Bị cáo Trang không biết hành vi của mình tiếp tay cho các bị cáo khác chiếm đoạt tiền của SCB; không được hưởng lợi từ số tiền chiếm đoạt.

Theo cáo buộc, Lương Thị Hồng Quế (cựu Giám đốc Phòng Phê duyệt tín dụng Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng SCB), từ 13-11-2021 đến 21-9-2022 đã ký hợp thức hồ sơ 46 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB 348 tỉ đồng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Quế cho rằng việc ký 46 khoản vay đều là khách hàng kinh doanh thật. Các chi nhánh thực hiện thẩm định và đưa tài liệu, văn bản cho bị cáo xem xét. Bị cáo chỉ là mức trung gian, việc phê duyệt nằm ở các lãnh đạo SCB.

Tự bào chữa, bị cáo Quế mong HĐXX xem xét cho bị cáo mức án treo để tiếp tục cống hiến cho xã hội vì chỉ là người làm công ăn lương, gia đình bị cáo khó khăn, mẹ sức khoẻ yếu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm