Hôm qua (27-3), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (KHLSVN), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng việc dạy và học sử trong trường phổ thông, đồng thời tìm nguyên nhân và biện pháp để khắc phục tình trạng này. 22 ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Hội KHLSVN tổng hợp để kiến nghị thay đổi chương trình-sách giáo khoa (CT-SGK) môn sử với Bộ GD&ĐT trong ngày hôm nay (28-3).
Nặng số liệu và không hấp dẫn
Bản báo cáo của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội KHLSVN đã khiến nhiều người lo âu. Theo số liệu Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), phổ điểm toàn quốc môn sử khối C trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2007 có 150.234 thí sinh bị điểm từ 0 đến 4,5 điểm (chiếm 96% tổng số thí sinh); có 6.680 thí sinh có điểm từ 5 trở lên (4,26%); đặc biệt có gần 6.000 thí sinh bị điểm 0 (3,76%) và chỉ có 17 thí sinh đạt điểm cao nhất 9/10. Như vậy, điểm trung bình môn sử là 2,09, đứng hạng thấp nhất so với các môn học khác.
Em học sinh lớp 6 này khó có thể hứng thú với những bài học lịch sử đặc chữ như thế này! Ảnh: HTD |
PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM, nói: “Đó chính là hệ quả của quan niệm sai coi môn sử là môn phụ nên không được coi trọng, chương trình bị cắt xén tùy tiện, giáo viên dạy sử bị xem thường. Trung bình chỉ có học một tiết/tuần, riêng lớp 12 là hai tiết/tuần để tiếp thu một lượng kiến thức dày đặc. Nhiều giáo viên than rằng với thời lượng này họ chỉ có thể đủ cho học sinh ghi “tóm tắt bài học” và giảng một cách tổng quát như “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi”.
GS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ nhiệm Hội KHLSVN, cũng cho rằng CT-SGK môn sử nặng về tính quân sự mà coi nhẹ yếu tố dân tộc, văn hóa, kinh tế. Bởi vậy môn sử rõ ràng không hấp dẫn học sinh. Chẳng hạn như sử lớp 12 chủ yếu nói về chiến tranh, miêu tả từng trận đánh, số lượng quân địch, số máy bay bị bắn rơi... trong khi ý nghĩa của trận đánh đó chỉ đi lướt qua. Cũng theo GS Lâm, ngay cả với một giáo viên yêu nghề cũng khó có thể dạy hay bởi cũng phải “thụ động” dạy theo sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên. “Thế thì làm sao mà thầy cô giáo có thể phát huy tính sáng tạo, đổi mới về chương trình giảng dạy nhằm thu hút học sinh yêu môn sử” - GS Lâm nói.
Phải có quan niệm đúng
Nhiều đại biểu cũng có chung quan điểm trình độ giáo viên dạy sử còn nhiều hạn chế. Theo cô giáo Lê Thị Thu Hương, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, nhiều giáo viên trẻ tuy kiến thức được trang bị bài bản hơn nhưng trình độ sư phạm, phương pháp giảng dạy quá non; nhiều người còn mắc bệnh ôm đồm kiến thức, không khắc sâu được kiến thức cơ bản cho học sinh. Giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm lại hạn chế về tin học nên khó khăn về phương pháp đổi mới.
Theo TS Phạm Xanh, khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, giáo viên dạy thể dục thể thao cũng bị “ép” dạy môn sử để cho đủ tiết và cũng bởi là giáo viên môn “phụ”.
GS Đinh Xuân Lâm nhấn mạnh: “Cần phải thay đổi quan niệm về bộ môn sử từ các cấp quản lý giáo dục đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Ai cũng phải hiểu rằng môn sử có chức năng giáo dục nhân cách. Phải tuân thủ tính chân thực của sự kiện, cho dù có nhiều bộ sách khác nhau. Làm sao để học sinh thấy học sử nhẹ nhàng, dễ nhớ. Ngoài ra, ngành giáo dục phải đào tạo lại đội ngũ giáo viên, xem đây là việc lớn của chiến lược giáo dục Việt Nam đến năm 2020”.
GS Dương Trung Quốc, nhà sử học: Nhồi nhét nhiều mà vô bổ Tình trạng học sinh không thích môn sử không mới, đã tích tụ từ rất lâu. Nhiệm vụ quan trọng nhất của môn sử theo tôi là đào tạo nhân cách. Thay vì giáo dục lòng yêu nước qua bài học, người ta nhồi nhét quá nhiều sự kiện khô khan một cách vô bổ. Thời đại công nghệ cao, người ta kích chuột là có thể nắm hết thông tin, sự kiện rồi. Tôi thấy học sinh ngày nay như... người khổ sai vì buộc phải nhớ quá nhiều! |
TỐ NHƯ