Đèn vàng phạt bằng đèn đỏ
Theo Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị xử phạt như sau:
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng; bị tước quyền sử dụng GPLX từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Người điều khiển xe ô tô vi phạm bị phạt tiền từ 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng GPLX từ 01 tháng đến 03 tháng…
Như vậy, so với quy định cũ, Nghị định 46/2016 không còn phân biệt mức phạt giữa đèn tín hiệu màu vàng và màu đỏ. Hành vi vượt cả hai loại tín hiệu đèn này đều được gộp chung thành “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” và xử phạt như nhau.
Xử phạt trong trường hợp nào?
Liên quan đến câu hỏi xử phạt hành vi vượt đèn vàng trong trường hợp nào, Bộ Công an đã có trả lời về vấn đề này.
Theo đó, tại điểm c khoản 3 điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.
Tại điều 10 Quy chuẩn số 41:2016/BGTVT, tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi; nếu người vi phạm cố tình điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn thì sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Trong trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch khi tín hiệu vàng bật sáng, nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau; khi đó người điều khiển phương tiện sẽ không bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Như vậy, CSGT sẽ chỉ xử phạt khi tín hiệu đèn đã chuyển sang màu vàng mà người tham gia giao thông tiếp tục vượt. Nếu tại thời điểm đèn chuyển sang màu vàng mà bánh xe đã vượt quá vạch dừng xe, người điều khiển được tiếp tục di chuyển.
Dừng đèn vàng sẽ bị tông?
Một số ý kiến khác cho rằng việc dừng đèn vàng sẽ có nguy cơ xảy ra TNGT, bởi một số giao lô đèn tín hiệu không có đồng hồ đếm ngược, việc dừng đột ngột rất nguy hiểm.
Từng trả lời về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền (Cục CSGT, Bộ Công an) khẳng định hiểu như vậy là không đúng.
Luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải chấp hành biển báo, hiệu lệnh của đèn tín hiệu, người chỉ huy giao thông, vạch kẻ đường. Theo đó, đèn xanh được đi, đèn đỏ cấm đi và đèn vàng phải dừng lại trước vạch kẻ ngang
Khi đến nơi giao nhau, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ. Khi lưu thông trên đường, người điều khiển xe phải giữ tốc độ và khoảng cách đảm bảo an toàn (trừ những nơi có biển báo hiệu quy định về tốc độ, khoảng cách).
Tại nhiều điểm giao nhau chưa có đồng hồ đếm ngược cũng không ảnh hưởng gì, bởi lẽ theo quy định, người điều khiển phương tiện khi đến giao lộ phải chú ý quan sát đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, biển báo hiệu và các phương tiện đang lưu thông khác để đảm bảo an toàn.
Như vậy, người tham gia giao thông phải tự ý thức được rằng những nơi mà các tuyến đường giao nhau là nơi nguy hiểm, phải chú ý các biển báo, tín hiệu đèn.