Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trước thềm năm mới 2023, TS Hồ Quốc Tuấn, chuyên gia kinh tế tại ĐH Bristol (Vương quốc Anh), nhận định năm 2023, nền kinh tế Việt Nam (VN) vẫn còn đối diện với những khó khăn “dư chấn” xuất hiện từ 2021-2022, trong đó có những thách thức xuất phát từ các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Vì vậy, bên cạnh việc chờ đợi những yếu tố bên ngoài chuyển biến tích cực, VN cần chủ động nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người lao động nhằm thúc đẩy chất lượng tăng trưởng bền vững, thay vì quá tập trung vào con số tăng trưởng mục tiêu.
Hỗ trợ DN duy trì sản xuất
. Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại năm 2022 có thể thấy chuỗi cung ứng vẫn chưa phục hồi, bên cạnh đó các chỉ số về đơn hàng xuất khẩu nhiều ngành chủ đạo của VN giảm sâu. Trong bối cảnh đó làm sao để củng cố nền sản xuất, xuất khẩu của VN?
TS Hồ Quốc Tuấn, chuyên gia kinh tế tại ĐH Bristol (Vương quốc Anh) |
+ TS Hồ Quốc Tuấn: Về cơ bản, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có dấu hiệu cải thiện. Với kỳ vọng nền kinh tế thứ hai thế giới - Trung Quốc (TQ) - đang dần mở cửa trở lại, chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện nhiều hơn trong năm 2023. Vấn đề là nhu cầu đang giảm rất nhiều ở thị trường Mỹ và châu Âu với lượng hàng tồn kho tăng cao.
Chỉ số đơn hàng mới của Mỹ liên tục giảm, hiện chỉ còn đâu đó ở mức 47,2 so với gần 64,0 thời điểm đầu năm 2022. Nhiều phân tích cho thấy hàng tồn kho của nhiều DN Mỹ tăng mạnh, do đó tốc độ đặt đơn hàng mới sẽ còn có thể tiếp tục giảm trong năm 2023. Đây mới là vấn đề chính đối với các DN sản xuất ở VN.
Vì đây là vấn đề từ nhu cầu (của thế giới) nên không có nhiều giải pháp VN có thể làm ngoại trừ việc cố gắng tranh thủ giảm chi phí như nhiều nước trên thế giới và cố gắng chờ đợi sự phục hồi của đơn hàng. Dù sao đi nữa đơn hàng cũng sẽ phải phục hồi cùng với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu nhưng nó có thể mất tới 2-3 quý trong tình huống xấu.
Chính phủ cần có các hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh các thị trường Mỹ và châu Âu giảm đơn hàng nhập khẩu và chưa có dấu hiệu gia tăng nhu cầu trở lại. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất chip bán dẫn tại Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG QUÂN |
Điều quan trọng lúc này là Chính phủ cần nhìn nhận rõ vấn đề và có giải pháp hỗ trợ DN trong bối cảnh chờ đợi “gió Đông” này. Hỗ trợ lãi suất, thuế, phí là những điều mà Chính phủ và chính quyền địa phương có thể cân nhắc hỗ trợ DN trong khả năng. Còn bản thân DN cũng cần ý thức rõ khó khăn vĩ mô và cần có giải pháp cắt giảm chi phí, giữ lại năng lực sản xuất để chờ đợi.
Linh hoạt các chỉ tiêu vĩ mô
. Một vấn đề khác của kinh tế VN hiện nay, theo một số chuyên gia nhận xét đó là “có tiền nhưng không xuất hiện ở thị trường” mà chỉ chảy từ ngân hàng này qua ngân hàng khác trong bối cảnh cuộc đua lãi suất diễn ra thời gian qua. Người dân, DN không tiếp cận được vốn, họ mất “đòn bẩy” phục vụ các hoạt động sản xuất, làm ăn. Vấn đề này cần được giải quyết như thế nào trong năm 2023?
+ Cung tiền tăng thấp, tỉ lệ tín dụng trên huy động vốn cao là những vấn đề đã được chỉ ra đối với nền kinh tế. Thời điểm căng thẳng nhất trong năm là kể từ tháng 10-2022. Tuy nhiên, đến tháng 12-2022, với việc room tín dụng được mở thêm ở một số ngân hàng, cùng với áp lực lên giá đồng USD trên thị trường quốc tế thì vấn đề này đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng ba bài toán khó đã được giải, trong đó có bài toán ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống khi chịu tác động bởi sự cố SCB và niềm tin thị trường suy giảm.
Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào đầu tư công
Một số báo cáo, phân tích dự báo rằng tăng trưởng GDP năm 2023 của VN có thể vào mức khoảng 6,5%-7% và một trong những điều kiện để đạt được con số này đó là hoạt động giải ngân đầu tư công tốt.
Tuy nhiên, hiện còn nhiều vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, điển hình nhất đó là liên quan đến Luật Đất đai.
Việc sửa đổi Luật Đất đai cần trình qua ba kỳ Quốc hội. Nhìn tổng thể, có nơi giải ngân đầu tư công tốt, nơi thì chậm.
Tuy nhiên, có thể là quá sớm nếu chúng ta tự tin rằng sẽ không còn những cú sốc tương tự. Có thể thấy chính sách tiền tệ và tài khóa lúc này phải cùng phối hợp với nhau để “tạo tiền” cho nền kinh tế.
Ngoài ra, một lượng tiền lớn liên quan đến vốn đầu tư công không thể giải ngân vẫn đang nằm đâu đó trong hệ thống ngân hàng và vì vậy không thể “tạo tiền”.
Nếu đầu tư công có thể giải ngân, dòng tiền này sẽ có thể luân chuyển vào nền kinh tế và được đưa vào vòng quay tạo tiền của ngân hàng. Nói nôm na, tiền đầu tư công được giải ngân sẽ đi vào nền kinh tế, như chi ra cho DN thực hiện các công trình hạ tầng và được DN gửi vào ngân hàng hoặc đem trả nợ để bắt đầu quay lại ngân hàng như dòng tiền khả dụng, đưa vào tiến trình quay tiền.
. Nếu chỉ dựa vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước và giải ngân đầu tư công thì liệu có đủ để giải quyết triệt để vấn đề “thiếu tiền”?
+ Tôi muốn lưu ý rằng lãi suất và cung ứng vốn cho nền kinh tế còn liên quan đến “cảm nhận” (hay “tâm lý”) của các ngân hàng đối với những rủi ro vĩ mô có thể xảy ra. Nếu rủi ro vĩ mô ở mức độ cao, các ngân hàng sẽ ngại cho vay hoặc cho vay thì đòi hỏi lãi suất cao. Vì vậy, việc tăng lượng tiền ra nền kinh tế thông qua các nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước hoặc giải ngân đầu tư công chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ vẫn là phải có triển vọng vĩ mô đủ tốt để ngân hàng chịu cho vay với lãi suất hợp lý.
Thêm nữa, trong bối cảnh các DN bất động sản ở VN hiện nay vẫn đang “khát vốn”, việc tìm nhiều cách đẩy huy động vốn trong nền kinh tế, hạ mặt bằng lãi suất và đảm bảo DN phi bất động sản tiếp cận được vốn là chuyện không đơn giản.
Những yếu tố đã đề cập phía trên, tức các vấn đề vĩ mô toàn cầu, thiếu vốn bất động sản… là những rủi ro tiềm ẩn và không thể dự đoán chính xác thời điểm và quy mô. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể hy vọng tình hình thanh khoản của nền kinh tế sẽ không quá khó khăn, chứ không thể hoàn toàn không có trở ngại. Trong trường hợp xấu nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ quay lại với ba bài toán khó của mình và khi đó đánh đổi là chuyện khó tránh.
Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo nguyên tắc “linh hoạt” trong các chỉ tiêu vĩ mô. Tôi cho rằng khi cân bằng giữa các mục tiêu lạm phát - cung ứng vốn - đảm bảo ổn định tiền tệ thì nên cân nhắc liều lượng để đảm bảo sức khỏe và vận mệnh của các DN tư nhân nội địa, nhất là lĩnh vực sản xuất được đảm bảo.
Bình tĩnh chờ đợi cơ hội
. Lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng, dự báo lên đến khoảng 4,8%, một phần do giá nhập khẩu tăng, phần nữa do tỉ giá đồng USD tăng... Tình hình lạm phát này có đáng lo ngại không và vượt qua như thế nào?
+ Đây là vấn đề toàn cầu nên chỉ có thể một mặt cố gắng tìm cách kiềm chế tăng giá trong khả năng, đồng thời hy vọng các dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn đầu năm 2023 và giảm dần về cuối năm của các tổ chức phân tích nhìn về khu vực ASEAN và VN là đúng.
Cần có những giải pháp vĩ mô hợp lý để ngân hàng không còn tâm lý lo sợ khi cho vay, từ đó tăng lượng cung tiền với lãi suất phù hợp, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất cho doanh nghiệp. Ảnh: Vietnamnet |
Chúng ta cũng biết vì nhiều vấn đề ở đây liên quan đến nguồn cung như năng lượng và lương thực nên không có nhiều giải pháp để làm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, có khả năng đẩy Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn vào suy thoái mà lạm phát ở Mỹ chỉ giảm nhẹ về dưới 8%.
Điều đó cho thấy không có nhiều giải pháp mà các chính sách đánh vào tổng cầu có thể thực hiện. Ngoài ra, về yếu tố cung, cũng không có nhiều thứ mà VN có thể làm, vì vậy phải trông cậy vào các quốc gia nắm các nguồn cung ứng chính (như Mỹ, châu Âu và hy vọng mới nhất chính là thị trường TQ mở cửa trở lại).
Một rủi ro nhiều nhà phân tích đang lưu ý là nếu TQ tăng trưởng nhanh hơn dự đoán và có tâm lý “mua sắm trả thù” khi mở cửa lại nền kinh tế thì có thể đẩy lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, khả năng tiến trình mở cửa sẽ không thể nhanh được, do đó khả năng nhu cầu bùng nổ ở TQ không phải là kịch bản chính lúc này.
Vì vậy, khả năng cao là VN sẽ vẫn có thể khống chế được lạm phát vào dịp cuối năm 2023. Nhưng trong những quý đầu năm có thể có những áp lực khó tránh và không có nhiều thứ chính sách vĩ mô có thể làm ngoại trừ chờ đợi. Đôi khi không đưa ra những chính sách phản ứng vội vã, thiếu kiên nhẫn, ngồi yên chờ đợi đã là một chính sách tốt.
Hướng đến chất lượng tăng trưởng
. Mục tiêu tăng trưởng cả giai đoạn 2021-2025 6,5%-7% bị đánh giá là khá thách thức, khi giai đoạn 2021-2022 tăng trưởng thấp, chỉ đạt 5,18%, do dịch bệnh và biến động thế giới. Liệu có hướng ra khả dĩ nào về tăng trưởng trong thời gian tới?
+ Tăng trưởng 6,5%-7% là một tham vọng cao trong bối cảnh rủi ro lạm phát vẫn còn đó và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chính của VN như Mỹ, châu Âu, TQ còn nhiều khó khăn.
Tập trung vào tăng trưởng chỉ trong một năm 2023 sẽ không giải quyết được vấn đề. Thay vào đó, chúng ta nên chú ý vào những khuyến nghị của các tổ chức phân tích về tình hình kinh tế - xã hội của VN. Họ khuyến nghị VN nên đẩy mạnh việc đầu tư vào những nguồn nhân lực và hạ tầng “cứng” (thực thể) và hạ tầng mềm (thể chế).
Những điều này được cho là còn nhiều không gian để cải thiện ở VN, đặc biệt là trong bối cảnh VN muốn tận dụng cơ hội thu hút thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ TQ, Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu qua các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà VN đã ký. Thay vì cố gắng chạy theo một con số GDP, tôi nghĩ VN hãy đặt ra một chiến lược tăng trưởng hướng vào một bộ chỉ số chất lượng tăng trưởng nguồn nhân lực, hạ tầng cứng cũng như hạ tầng mềm.
. Xin cám ơn ông.•
Cơ hội từ bên ngoài và động lực từ bên trong
Mới đây, tại tọa đàm “Triển vọng kinh tế 2023: Thúc đẩy tăng trưởng từ nội lực” do Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức, TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý về cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam (VN) năm 2023.
TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương |
Trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) dần nới lỏng chính sách “zero-COVID”, từ mở cửa nền kinh tế, cơ hội đầu tư và giao thương vào thị trường tỉ dân này đang dần quay lại, bù đắp cho những bất ổn từ thị trường châu Âu và Mỹ được dự báo là còn kéo dài (ví dụ tình trạng giảm cầu đơn hàng từ VN). Ngoài kỳ vọng vào dòng vốn khổng lồ từ TQ, việc kinh tế của nước này giảm tốc và đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng USD thì giá đầu vào từ TQ ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Mặt khác, ASEAN, VN có thể là trung gian cho các hoạt động kinh tế giữa Mỹ và TQ. Điều này thúc đẩy sự đầu tư từ TQ và từ các nước khác đang dịch chuyển khỏi TQ sang VN gia tăng.
Một số nhân tố khác cũng thúc đẩy kinh tế VN phục hồi, bao gồm hoạt động tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ tăng 20,5%; hoạt động xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng tốt nhờ kinh tế các nước đối tác chính phục hồi với cán cân thương mại hàng hóa cả nước xuất siêu 10,68 tỉ USD; việc giải ngân đầu tư FDI cũng tăng tốt.
TS Nguyễn Tú Anh cũng lưu ý VN cần tập trung vào một số động lực mà lâu nay vẫn chưa được khai thác. Điển hình như lĩnh vực đầu tư khu vực nhà nước; tìm cách phục hồi du lịch (khách quốc tế ước tính đạt chỉ 3,5 triệu lượt, thấp hơn nhiều so với 18 triệu lượt hồi năm 2019).
Ngoài ra, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng khởi động muộn. Đáng chú ý là có giải pháp để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi từ năm 2023, bởi thị trường này trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vẫn còn nằm dưới tiềm năng.
Ngoài ra, hiện chỉ có 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt nhưng hiện có 15/38 quy hoạch đã lập xong, đồng thời có 42/63 quy hoạch cấp tỉnh đã lập xong chờ phê duyệt. Những động lực này được kỳ vọng có thể khơi thông những điểm nghẽn về bất động sản, vốn chịu rất nhiều tổn thương trong giai đoạn vừa qua.