Làm cho Whitney Houston “sống lại” - điều như không tưởng này có thể thực hiện được là nhờ công nghệ hologram.
“Sống lại” chân thật nhất có thể
Hologram là công nghệ ghi hình không gian ba chiều có tên tiếng Anh là holography, tái tạo hình ảnh ba chiều (3D) của một vật thực qua một bản ghi phẳng hai chiều (2D). Bản ghi 2D nếu được nhìn ở vị trí và ánh sáng thích hợp sẽ trở thành hình ảnh 3D của một vật thực mà không hề có sự hiện diện của vật thực ở đó.
Đây là kết quả hai năm thương lượng giữa bà Pat Houston, quản lý di sản của Whitney Houston và giám đốc điều hành Công ty Hologram USA, tỉ phú người Hy Lạp Alki David.
Trả lời phỏng vấn tạp chí âm nhạc Billboard (Mỹ), ông Alki David cho biết sẽ phải mất một năm cho công tác chuẩn bị cho buổi trình diễn đặc biệt này. Công nghệ hologram sẽ chọn lọc nội dung, hình ảnh từ các buổi biểu diễn trước đây của Whitney Houston. Âm nhạc, ánh sáng, nghệ thuật trình diễn cũng sẽ được phối lại với sự cộng tác của các nghệ sĩ, các kỹ thuật viên, các nhạc sĩ đã từng làm việc với Whitney Houston trước đây. Đi cùng với Whitney Houston trong các buổi trình diễn là các bài hit gắn liền với tên tuổi nữ danh ca, cùng một số khách mời đặc biệt. Tất cả nhằm hướng tới điều quan trọng nhất là tạo được cảm giác thật cho khán giả.
Địa điểm sẽ diễn ra buổi trình diễn đầu tiên ở Mỹ chưa được quyết định, tuy nhiên Billboard dẫn lời ông Alki David cho biết đó có thể là một trong các nhà hát: Apollo ở New York, TCL Chinese và Saban ở California, Andy Williams ở Missouri.
Sau buổi trình diễn đầu tiên ở Mỹ, chương trình này sẽ bắt đầu lưu diễn khắp thế giới. Kênh truyền hình FilmOn.com của ông Alki David được độc quyền phát trực tuyến. Công ty truyền thông Ednemol (Hà Lan) được quyền phát các buổi diễn qua sóng phát thanh.
Theo ông Alki David, buổi trình diễn không chỉ là hình ảnh nữ danh ca Whitney Houston bước ra sân khấu, hát, rồi lại bước vào, mà đây có thể được xem như một buổi tường thuật về cuộc sống, những đóng góp cũng như để tôn vinh tài năng quá cố. Ông tự tin buổi trình diễn sẽ mang lại cảm xúc tích cực cho khán giả vì tiêu chuẩn các nghệ sĩ để công ty ông chọn làm chương trình trình diễn bằng công nghệ hologram rất cao và công tác chuẩn bị rất cẩn thận.
Công nghệ hologram sẽ đưa nữ danh ca Whitney Houston tái xuất trên sân khấu dù bà mất đã bốn năm. Ảnh: GETINTOTHIS
Hàng loạt tài năng quá cố được làm “sống lại”
Làm sống lại những màn trình diễn của các ngôi sao đã mất bằng công nghệ hologram dường như đang là một xu hướng trong nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc. Whitney Houston không phải là trường hợp đầu tiên. Trước nữ danh ca này cũng đã có không ít ngôi sao đã mất và còn sống được tái hiện trước công chúng bằng công nghệ hologram. Đó là các ngôi sao Madonna và Gorillaz năm 2006, Elvis Presley và Celine Dion năm 2009, Mariah Carey năm 2011…
Dự kiến buổi trình diễn bằng công nghệ hologram của nữ danh ca nhạc Jazz quá cố Billie Holiday do Hologram USA dàn dựng sẽ diễn ra ở nhà hát Apollo (New York, Mỹ) vào tháng 11 tới.
Năm 2018 dự kiến tiếp tục diễn ra buổi trình diễn bằng công nghệ hologram của biểu tượng nhạc Pop Mỹ La tinh người Mỹ gốc Mexico Selena Quintanilla đã qua đời cách đây 20 năm khi mới 23 tuổi.
Sử dụng công nghệ hologram để mang người đã khuất trở về đang lan cả sang lĩnh vực điện ảnh. Bộ phim ngoại truyện Rogue One của loạt phim sử thi Star Wars sẽ dùng công nghệ này làm sống lại diễn viên Peter Cushing vốn qua đời năm 1994 để tiếp tục thủ vai Grand Moff Tarkin trong phim Rogue One.
Kỳ diệu hay kỳ quặc?
Không ít ý kiến cho rằng công nghệ hologram mang lại cho họ cảm giác được thưởng thức thần tượng trình diễn trên sân khấu như họ chưa hề mất và đây cũng là một hình thức vinh danh các đóng góp của các nghệ sĩ. Điều đó thật nhân văn cả với các nghệ sĩ đã khuất và cả người hâm mộ.
Dù thế, vẫn có những băn khoăn. Báo The Guardian (Anh) dẫn lời cô Barbara Beran, một cây viết trẻ và hoạt động truyền thông ở Mỹ từng xem buổi trình diễn bằng công nghệ hologram của ca sĩ nhạc Rap Tupac Shakur tại lễ hội Coachella ở Mỹ năm 2012, rằng trong buổi trình diễn này cô nhận thấy cảm xúc của khán giả rất đa dạng, phần lớn đều cảm thấy bối rối với những gì diễn ra trên sân khấu. Bản thân cô lại cảm thấy nó có phần kỳ quặc và ma quái, có cảm giác ca sĩ Tupac Shakur như một bóng ma kỹ thuật số hiện hồn từ cõi âm. Đồng tình với ý kiến của cô Barbara Beran, nhà sản xuất âm nhạc Mỹ Anastos-Prastacos cũng có mặt tại buổi trình diễn bằng công nghệ hologram của ca sĩ Tupac Shakur còn cho rằng buổi trình diễn không ghê gớm, đặc biệt như hầu hết khán giả mong đợi.
Nhận xét về buổi trình diễn bằng công nghệ hologram của ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson trên trang tin giải trí Moviepilot.com (Mỹ), nhà báo Jack Carr cho rằng nó chẳng thú vị gì hơn là chỉ đơn giản chiếu lại một tiết mục trình diễn trước kia của danh ca này. Theo ông, công nghệ hologram giống như một câu trả lời cho một câu hỏi mà chẳng ai hỏi, nó sẽ chẳng bao giờ mang lại được cho khán giả những trải nghiệm thật khi thưởng thức những màn trình diễn thật của các nghệ sĩ còn sống và đang hít thở trên sân khấu.
Những màn “gọi hồn” người nổi tiếng đáng nhớ Buổi trình diễn đầu tiên bằng công nghệ hologram của Hologram USA diễn ra tại lễ hội Coachella ở Mỹ năm 2012, nhân vật chính là ca sĩ nhạc Rap Tupac Shakur. Hologram USA đưa hình ảnh người dẫn chương trình Jimmy Kimmel của kênh truyền hình ABC (Mỹ) từ phòng quay ở TP Los Angeles (bang California) xuất hiện như thật ở lễ trao giải thưởng âm nhạc mang tên Country Music Awards ở TP Nashville (bang Tennessee); đưa hình ảnh ông Julian Assange - người sáng lập trang web WikiLeaks xuất hiện sống động ở Mỹ. Năm 2013, Hologram USA cũng thực hiện cuộc trình diễn của vua nhạc pop Michael Jackson tại buổi trao giải thưởng âm nhạc Billboard Music Awards. |