Hãy nghe một đoạn bình luận của BLV đang “hot” Tạ Biên Cương: “Villa vừa đối mặt thủ môn và sút vọt xà, do anh sút bằng chân trái và không phải là chân thuận của anh.( 5p sau), lại thêm một cú sút bằng chân phải của Villa, bóng đi truợt cột dọc, chân phải không phải là chân thuận của Villa” (Tiền Phong) Xin được miễn bình luận Villa thuận chân nào.
Khi có người phê bình, BLV Việt Khuê tỏ ra bình thản khi cho rằng "Nghề BLV bóng đá là nghề làm dâu trăm họ... Ai cũng có mặt mạnh riêng" (Một Thế Giới).
Giáo sư Xoay trong một buổi truyền hình bình luận bóng đá. Ảnh minh họa
Xin nói thẳng, hầu hết các BLV bây giờ chẳng hiểu thế nào về nghề nghiệp mình đang làm. Tính đến nay, trên toàn cầu chưa có trường lớp nào dạy nghề BLV, cái nghề chủ yếu dựa vào năng khiếu hoạt ngôn, có trí nhớ tốt, quan sát và biết ký hiệu tay, cờ của các trọng tài về lỗi trong sân và tất nhiên phải biết rõ 17 điều của Luật Bóng đá.
Ai ở miền Nam thời VNCH ghiền banh da đều mê mẩn giọng tường thuật của xướng ngôn viên Huyền Vũ. Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh tại Phan Thiết và mất năm 2005 tại Mỹ. Chính ông là người đã thi vị hóa ngôn ngữ Việt trong môn bóng đá trên sóng radio của Đài Phát thanh SG. Cũng chính ông là người có giọng nói thiên phú, trường âm đã truyền cảm hứng cho thính giả ngồi nhà nghe qua đài phát thanh cảm nhận như trận đấu đang diễn ra trước mắt. “ Mũi tên vàng bên cánh trái đang lao xuống…lao xuống, đi tới…tới nữa, vượt qua vùng cấm địa và …sút, tung lưới roooồi!” Không ai không nổi da gà rồi vỡ òa niềm vui khi nghe giọng nói truyền cảm như phù thủy của ông.
Bình luận viên nổi tiếng Vũ Quang Huy của VTV. Ảnh minh họa
Sau này ở miền Bắc, người ta còn biết đến những người “vẽ lại trận đấu” như Hoài Sơn hay Đình Khải của Đài Tiếng nói VN.
Trước đây khi tường thuật hay bình luận trên đài phát thanh không ai nói đường biên ngang, đường biên dọc mà chỉ nói đường biên cuối sân để biết đó là đường biên ngang; “Ra ngoài rồi, ném biên” để biết bóng đã ngoài cuộc, đi qua đường biên dọc.
Giọng miền Bắc ép phê hơn khi hét “Vào, vào rồi” dần thay thế từ “tung lưới” hay “vô” của giọng miền Nam.
Truyền hình bùng nổ, “nghề” BLV ra đời, Lại Văn Sâm, Trưởng Ban Thể thao- Giải trí của VTV3 cũng bắt đầu từ hợp đồng bình luận bóng đá khi bỏ chân phụ giúp cho mẹ vợ bán hàng ở chợ Đồng Xuân để chập chững vào nghề.
Người xem bóng đá trên truyền hình ngoài xem bằng mắt cũng còn muốn nghe những âm thanh sôi động từ cầu trường mới cảm nhận sức nóng của trận đấu. Thế nhưng các BLV truyền hình ngày nay lại thích khoe mẽ kiến thức mà thật ra chỉ kịp nghiên cứu trước trận đấu vài chục phút, thậm chí không thèm nghiên cứu. Họ cũng rảnh tay rảnh chân không cần làm bảng theo dõi chuyên môn như ngày xưa bởi tất cả thông số của trận đấu như bao nhiêu % kiểm soát bóng, bao nhiêu quả đá phạt, đường chuyền, sút xa, sút gần đều đước máy tính làm việc và hiển thị trên màn ảnh nhỏ. Do đó họ cứ nghĩ “tiếng hát át tiếng bom” là hay nên họ nhầm và cứ ra rả như bằm thịt để kiểm soát thời gian chết khiến khán giả bội thực và sinh ra bực bội.
Các anh à, các anh đừng nhầm bình luận truyền hình với tường thuật phát thanh nhé. Khác xa lắm đó.
PHƯƠNG NAM