Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) - chủ đầu tư dự án, cho biết đây là lần đầu tiên EVN HCMC thực hiện kéo cáp ngầm trên biển với chiều dài gần 6 km. “Đây cũng là công trình trọng điểm của tổng công ty chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Công trình này thực hiện trong một thời gian ngắn (khởi công vào cuối năm 2014), đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân” - ông Bảo bày tỏ.
Ông Trần Văn Thấu, đại diện cho người dân xã đảo, không giấu được niềm vui: “Chúng tôi quá hạnh phúc. Không thể ngờ EVN HCMC lại có cả một dự án lớn, dùng cáp ngầm xuyên biển để đưa điện quốc gia từ đất liền ra đảo”. Nhiều người dân ở đảo cho biết mấy năm nay EVN HCMC đã lắp trạm phát điện bằng dầu diesel, điện phát 24/24 giờ nhưng công suất không đủ đáp ứng nhu cầu.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương (đơn vị liên danh thi công), cho biết công trình này thi công phức tạp hơn rất nhiều so với dự án đưa điện ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). “Đây là cáp điện ngầm do Ý sản xuất, đảm bảo công trình sử dụng đến 40 năm” - ông Thái nói.
Theo EVN HCMC, dự án đưa điện quốc gia ra đảo bằng cáp ngầm có mức đầu tư hơn 210 tỉ đồng, hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm hai trạm ngắt 22 kV được kết nối bởi mạch cáp ngầm 22 kV dưới biển với chiều dài gần 6 km. Giai đoạn 2, EVN HCMC tiếp tục xây hai trạm ngắt 22 kV theo mô hình không người trực để điều khiển từ xa và tuyến cáp quang 24 sợi để kết nối hai trạm này. Giai đoạn này dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III-2015. Khi đó, dự án sẽ nâng mức tiêu thụ điện bình quân cho người dân xã đảo Thạnh An từ 300 kWh/người/năm lên 1.000 kWh/người/năm.