3 người đi bộ hàng trăm cây số đã được CSGT đưa lên tàu về quê

8g37 phút sáng 28-7, 3 người đi bộ hàng trăm cây số về quê đã được Trạm CSGT 16/1 (Hàm Tân) Công an tỉnh Bình Thuận đưa đến Ga Suối Kiết lên tàu SE8 về quê.

Trước đó, cả ba người là anh Hồ Tám (33 tuổi, ngụ Thừa Thiên Huế); bà Nguyễn Thị Tứ (58 tuổi, ngụ Nghệ An) và anh Đoàn Văn Thành (33 tuổi, ngụ Bình Định) đã được ngành y tế test nhanh đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Cả ba người đều có hành trình về quê riêng và sáng nay đều ngồi chung toa số 2 trên đoàn tàu SE8 về quê.

CSGT dùng xe đặc chủng chở 3 người đến Ga Suối Kiết.

Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, Phó Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Tân, cho biết do chưa có chuyến tàu về Nghệ An và Thừa Thiên Huế nên trước mắt đặt vé tàu cho bà Tứ và anh Tám về Ga Đà Nẵng, sau đó họ sẽ mua vé đi tiếp. Riêng anh Thành sẽ xuống Ga Diêu Trì (Bình Định).

Như đã đưa, trưa 27-7, sau 8 ngày ròng rã đi bộ từ Trà Vinh lên TP.HCM và từ TP.HCM đi bộ theo Quốc lộ 1A với dự định về Thừa Thiên - Huế, anh Hồ Tám (33 tuổi) vượt qua gần 250 km đến Chốt kiểm soát COVID-19 tỉnh Bình Thuận, giáp ranh Đồng Nai khai báo y tế.

Ngồi một góc, anh Tám vừa khóc vừa ăn ngấu nghiến hộp cơm từ thiện vừa nhận tại chốt vì đói. Anh tâm sự đây là bữa cơm thứ 2 anh được ăn trong một tuần qua, trước đó một người tốt bụng ở TP.HCM đã cho anh ăn. Anh Tám kể hơn 6 tháng trước anh rời xã Thụy Vân, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế vào Trà Vinh mưu sinh bằng nghề phụ hồ, ai mướn gì làm nấy.

Dịch COVID-19 bùng phát, các công trình xây dựng không còn nhiều. Thất nghiệp, chẳng ai kêu làm mướn trong khi gánh nặng ăn uống, ở trọ khiến anh hết sạch tiền tích lũy. Không còn lựa chọn khác, anh quyết đi bộ về quê dù biết đoạn đường hơn 1.000 cây số vô cùng khắc nghiệt.

Anh Hồ Tám sau hơn 1 tuần đi bộ, thùng mì tôm mang theo chỉ còn vài gói.

Để chuẩn bị cho hành trình ấy, anh Tám mua một thùng mì tôm rồi lấy mặt sau thùng mì viết dòng chữ “Về Huế, xin đi nhờ” cột sau ba lô, xin một nón bảo hiểm để may mắn có ai cho quá giang thì xin đi. Rạng sáng 19-7, anh xuất phát rời Trà Vinh và 8 ngày sau đến Bình Thuận, thùng mì mang theo đã gần hết chỉ còn vài gói.

Cũng trong trưa 27-7, tại Chốt kiểm soát COVID-19 giáp ranh Đồng Nai - Bình Thuận còn có trường hợp của bà Nguyễn Thị Tứ cũng quyết định đi bộ từ TP Thủ Đức (TP.HCM) để về Nghệ An vì không chọn lựa nào khác. Bà Tứ đi từ hôm 26-7, nhưng may mắn hơn anh Tám là bà liên tục quá giang được xe máy từng đoạn và trưa 27-7 đã đến được địa phận Bình Thuận.

Bà Nguyễn Thị Tứ.

Ngoài ra còn có trường hợp của anh Đoàn Công Thành ở Phù Mỹ, Bình Định. Mới vào Sài Gòn khoảng 3 tháng đi làm mướn, ai mướn gì làm nấy thì bùng phát dịch COVID-19, anh không còn việc để làm.

Ngày 25-7, anh Thành quyết định đi bộ theo Quốc lộ 1A về Bình Định. Sau hơn 1 ngày đi bộ, khi đến Long Khánh (Đồng Nai) nghỉ chân, biết được hoàn cảnh của anh, một người dân đã tặng anh chiếc xe đạp để giúp rút ngắn khoảng cách hơn 600 cây số còn lại.

Trưa 27-7, khi đến Chốt kiểm soát COVID-19 Bình Thuận, xe đạp anh Thành bị bể bánh nên ghé chốt cầu cứu. Tại đây, anh được phát cơm từ thiện và lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện thêm trường hợp khốn khổ của anh.

Anh Đoàn Văn Thành được ăn cơm từ thiện khi nhờ cầu cứu.

Cả 3 trường hợp trên sau đó đã được Trạm CSGT Hàm Tân sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, thậm chí nhân viên y tế tại Chốt phải nằm dưới sàn nhường giường cho họ và tất cả đều được ăn uống miễn phí.

Đến tối 27-7, sau khi có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2, lực lượng CSGT đã dung xe đặc chủng đưa cả 3 người đến Ga Suối Kiết (Tánh Linh) để ngày 28-7 cùng lên tàu về quê.

Được biết, 3 vé tàu đều do linh mục T. (Tu đoàn Bác Ái, Hàm Tân) đặt tặng. Ngoài ra linh mục T. cũng đã trao cho anh Tám, anh Toàn mỗi người 3 triệu đồng; bà Tứ 5 triệu đồng để hỗ trợ lộ phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm