Trưa 27-7, sau khi 8 ngày ròng rã đi bộ từ Trà Vinh lên TP.HCM và từ TP.HCM đi bộ theo Quốc lộ 1A với dự định về Thừa Thiên - Huế, anh Hồ Tám (33 tuổi) vượt qua gần 250 km đến Chốt kiểm soát COVID-19 tỉnh Bình Thuận, giáp ranh Đồng Nai khai báo y tế.
Anh thợ hồ quyết vượt 1.000 km về quê với thùng mì gói
Anh Hồ Tám với hành trình đi bộ về Huế
Sau khi khai báo hành trình khó tin hơn một tuần qua của mình, anh Tám xin phép vào quán cơm Hưng Thịnh 2 gần đó mượn tô và xin nước sôi, định lấy 2 gói mì mang theo ra nấu ăn. May mắn là nhân viên quán đa tặng anh một hộp cơm từ thiện.
Ngồi một góc, anh Tám vừa khóc vừa ăn ngấu nghiến vì đói. Anh tâm sự đây là bữa cơm thứ 2 anh được ăn trong một tuần qua, trước đó một người tốt bụng ở TP.HCM đã cho anh ăn cơm có cả thịt kho và canh rau.
Bữa cơm thứ 2 sau 8 ngày anh Tám được ăn
Anh Tám kể hơn 6 tháng trước anh rời xã Thụy Vân, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế vào Trà Vinh mưu sinh bằng nghề phụ hồ, ai mướn gì làm nấy. Dịch COVID-19 bùng phát, các công trình xây dựng không còn nhiều.
Thất nghiệp, anh cố gắng bám trụ thêm nhưng cũng chẳng ai kêu làm mướn trong khi gánh nặng ăn uống, ở trọ khiến anh hết sạch tiền tích lũy. Không còn lựa chọn khác, anh quyết đi bộ về quê dù biết đoạn đường hơn 1.000 cây số vô cùng khắc nghiệt.
Để chuẩn bị cho hành trình ấy, anh Tám mua một thùng mì tôm rồi lấy mặt sau thùng mì viết dòng chữ “Về Huế, xin để nhờ” cột sau ba lô, xin một nón bảo hiểm để may mắn có ai cho quá giang thì xin đi. Rạng sáng 19-7, anh xuất phát rời Trà Vinh...
Sau hơn 1 tuần anh Tám vượt qua gần 250 km đến Bình Thuận
Từ Trà Vinh lên TP.HCM, anh phải vượt qua đoạn đường khoảng 130 cây số. Một mình lầm lũi bước, đói thì ghé nhà dân cạnh đường mượn tô, xin nước sôi lấy mì tôm mang theo úp ăn. Tối đến vạ đâu nằm đó, lúc thì gầm cầu, lúc thì vỉa hè nhà ai đó.
“Đi bộ cả ngày rạc cẳng, nằm xuống là em ngủ không biết gì nên ngủ đâu cũng thấy ngon lắm” - anh Tám tâm sự.
Suốt cả đoạn đường dài, cũng có vài lần anh được những người đi xe máy thấy thương tình cho quá giang, nhưng cộng lại chỉ được vài chục cây số. Khi đến địa phận Bình Thuận, trong túi anh Tám chỉ còn hơn 500 ngàn đồng, thùng mì mang theo chỉ còn mấy gói.
Thùng mì tôm mang theo chỉ còn mấy gói
Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, Phó Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Tân, cho biết sau khi phát hiện hoàn cảnh đáng thương của anh Tám, Trạm đã bàn bạc với Chốt Kiểm soát COVID-19, Trạm CSGT bỏ tiền mua vé tàu hỗ trợ anh về quê. Tuy nhiên sau khi liên lạc với Ga Suối Kiết (Bình Thuận) đặt vé tàu về Huế thì hết vé.
Trước mắt, anh Tám được ở lại chốt, ăn uống cùng anh em để chờ vé tàu chuyến tiếp theo và trước khi lên tàu anh sẽ được test nhanh COVID-19. Xúc động trước hoàn cảnh của anh Tám, trưa 27-7, các nhân viên y tế ở chốt sẵn sàng nằm đất nhường luôn ghế xếp anh nghỉ ngơi cho lại sức.
Nhân viên y tế ngủ dưới sàn nhường chỗ cho những hoàn cảnh đáng thương
Thêm những hoàn cảnh đáng thương...
Trường hợp của anh Tám vẫn chưa phải là duy nhất tại Chốt kiểm soát COVID-19 giáp ranh Đồng Nai - Bình Thuận.
Bà Nguyễn Thị Tứ (58 tuổi) cũng quyết định đi bộ từ TP Thủ Đức (TP.HCM) để về tuốt Nghệ An vì không chọn lựa nào khác.
Bà Tứ đi từ hôm 26-7, nhưng may mắn hơn anh Tám là bà liên tục quá giang được xe máy từng đoạn và trưa 27-7 đã đến được địa phận Bình Thuận.
Khi được quán cơm tặng phần cơm từ thiện, bà Tứ run run cảm ơn đón nhận. Sau khi ăn xong, bà cầm chổi giúp các nhân viên dọn dẹp như một hành động trả ơn.
Bà Tứ người phụ nữ cũng quyết định đi bộ từ TP.HCM về Nghệ An.
Đó còn là trường hợp của anh Đoàn Công Thành (33 tuổi) ở Phù Mỹ, Bình Định. Mới vào Sài Gòn khoảng 3 tháng đi làm mướn, ai mướn gì làm nấy thì bùng phát dịch COVID-19, anh không còn việc để làm.
Ngày 25-7, anh Thành quyết định đi bộ theo Quốc lộ 1A về Bình Định. Sau hơn 1 ngày đi bộ, khi đến Long Khánh (Đồng Nai) nghỉ chân, biết được hoàn cảnh của anh, một người dân đã tặng anh chiếc xe đạp để giúp rút ngắn khoảng cách hơn 600 cây số còn lại.
Trưa nay, khi đến Chốt kiểm soát COVID-19 Bình Thuận, xe đạp anh Thành bị bể bánh nên ghé chốt cầu cứu. Tại đây, anh được phát cơm từ thiện và lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện thêm trường hợp khốn khổ của anh.
Anh Thành người đi bộ và đi xe đạp về Bình Định
Cả hai trường hợp của bà Tứ và anh Thành đã được Tu đoàn Bác Ái (Tân Nghĩa, Hàm Tân) ở gần đó phát hiện và hỗ trợ cho bà Tứ 5 triệu đồng, anh Thành 3 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, linh mục T, Tu đoàn Bác Ái cho biết, ông đã liên lạc Ga Suối Kiết để đặt vé tàu về quê cho bà Tứ, anh Thành nhưng đã hết vé. Trong khi chờ vé, cả 2 trường hợp này cũng được các thành viên Chốt Kiểm soát COVID-19 Bình Thuận nhường chỗ nghỉ lưng và Trạm CSGT Hàm Tân cũng đang đặt vé tàu cho hai người này.
Sau khi trao đổi với chúng tôi, biết được có thêm hoàn cảnh đáng thương của anh Hồ Tám, người đã đi bộ gần 250 cây số, linh mục T cho hay trong chiều nay sẽ đến hỗ trợ cho anh Tám 3 triệu đồng để giúp anh Tám có lộ phí ăn uống dọc đường khi lên tàu về Huế.
Suốt cuộc trò chuyện qua điện thoại khá dài, linh mục T. liên tục nhắc đừng nêu tên ông. Theo ông, đó là việc ai thấy, ai biết cũng phải làm bởi “Chúng ta ai cũng muốn giúp người khác. Con người là thế. Chúng ta muốn sống bên hạnh phúc của nhau chứ không phải sự khổ sở của nhau” ( Charlie Chaplin).