Giải pháp giảm tải tuyến đầu, cứu trợ khẩn cấp người dân

TP.HCM đã áp dụng Chỉ thị 16 hơn 20 ngày, tuy nhiên số ca nhiễm ngày càng tăng.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Đức Lộc (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), về các giải pháp để tháo gỡ cho công tác hỗ trợ tuyến đầu lẫn việc cứu trợ cho người dân đang kẹt trong các khu phong tỏa.

Phân phối nguồn lực không đều tạo khan hiếm cục bộ

. Phóng viên: Thực tế một tòa nhà trống, một mảnh đất trống trong một thời gian rất ngắn được gấp rút xây dựng để thành một BV dã chiến sẽ thiếu thốn trăm bề. Theo ông, giải pháp nào cho việc vận hành nhanh một tổ chức khi không thể chỉ chờ thủ tục xem xét hỗ trợ từ Quỹ phòng chống COVID-19?

+ PGS-TS Nguyễn Đức Lộc: Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết lực lượng tuyến đầu đã bắt đầu đuối sức vì quá tải về số lượng bệnh nhân, các BV dã chiến thu dung mở ra nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu chữa trị. Những cập rập đó đã dẫn tới một số nơi thiếu thốn các nguồn vật tư y tế và cả các nhu yếu phẩm cần thiết. Ngoài các thiết bị y tế chuyên biệt, theo tôi, các nguồn lực khác TP hoàn toàn có thể quán xuyến được vấn đề này.

Tuy nhiên, vấn đề trở ngại có lẽ nằm chủ yếu ở khâu tổ chức vận hành, phân phối dẫn đến khan hiếm cục bộ, chỗ thừa chỗ thiếu. Điều này không chỉ đối với các BV dã chiến, khu phong tỏa mà còn ở các khu vực khác.

Nếu như từ đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 vì chưa chuẩn bị nên có những chệch choạc nhưng sau quá trình triển khai, chúng ta có đủ thời gian để rút ra bài học trong vấn đề tổ chức, vận hành phân phối các nguồn lực. Vì vậy, trong đợt này, chúng ta nhất định khắc phục và dự phòng các rủi ro, nhất là phải bảo vệ bằng mọi giá lực lượng tuyến đầu cũng là chốt chặn phòng tuyến cuối cùng của chúng ta.

. Việc gỡ rào cản thủ tục hành chính như thế nào để nhu yếu phẩm (thực phẩm), thiết bị bảo hộ… đến được với đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, thưa ông?

+ Thông thường, trong hoạt động quản trị vận hành bộ máy, chúng ta có quy trình nhằm đảm bảo các quy tắc quản lý, tránh sai sót thì trong tình trạng khẩn cấp chúng ta có thể tính tới những giải pháp tinh gọn, đưa công nghệ vào quản lý vận hành, đảm bảo giám sát minh bạch, không để bất cứ ai trục lợi.

Chúng ta cũng cần phải giao nhiệm vụ và quy trách nhiệm làm tổng chỉ huy việc tiếp nhận và phân phối nguồn lực hỗ trợ của xã hội.

Tôi thấy các tổ chức phi chính phủ quốc tế họ có những giải pháp rất hữu ích mà rất dễ thực hiện, chẳng hạn như chúng ta có website thông báo tình trạng các khu vực cần nhu yếu phẩm, vật tư y tế với những con số cụ thể được cập nhật cùng thời gian thực. Điển hình như hiện nay các trang, ứng dụng: Zalo, SOSMap... đã bắt đầu làm. Người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội có thể truy cập vào đây để biết mà phân phối nguồn lực cho những nơi còn thiếu và cũng có thể tiếp tục xoay vòng khi thiếu, khi đủ. Việc công khai trên hệ thống giúp cho việc phân phối minh bạch, cân đối giữa các điểm, không xảy ra tình trạng dư thừa và thiếu thốn giữa các khu vực khác nhau.

Trong đề xuất giải pháp tổ chức các trạm cứu tế cộng đồng, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội gửi đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM vào ngày 26-7 vừa qua, đã có hai kiến nghị:

Thứ nhất, TP ban hành văn bản kêu gọi các tổ chức xã hội, thiện nguyện, doanh nghiệp tại TP hoặc cả nước cùng gánh vác công tác cứu trợ. Việc kêu gọi này không hề làm giảm đi vai trò của chính quyền TP mà chỉ cho thấy sự gắn kết trên nguyên tắc hiệp lực, một hình ảnh của TP vì nhân dân phục vụ, chăm lo từng miếng cơm, manh áo cho người dân trong lúc thiên tai địch họa.

Thứ hai, TP ban hành quy trình hướng dẫn phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, chính quyền cấp cơ sở với các tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp để công tác cứu trợ đảm bảo quy trình dịch tễ học. 

Bệnh viện dã chiến số 6 tại khu tái định cư Bình Khánh, phường An Khánh,
TP Thủ Đức nhận quà từ mạnh thường quân. Ảnh: PHẠM VŨ NGUYÊN

Xã hội hóa công tác hỗ trợ cho tuyến đầu

. Thực tế nhu yếu phẩm, vật tư y tế được các nhóm thiện nguyện chuyển đến các BV không đồng đều. Theo ông, giải pháp cho điều này?

+ Khác với các bối cảnh bệnh tật thông thường, đại dịch khiến các quốc gia đều không đủ khả năng ứng phó nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Chính phủ. Một chiến lược ứng phó thông minh phải là: Dựa vào nguồn lực y tế để chữa trị bệnh tật, tận dụng tối đa vai trò của cộng đồng để phối hợp trong các chính sách giãn cách, hậu cần. Cộng đồng cư dân sẽ cùng giúp Nhà nước giảm gánh nặng.

TP cần sớm hướng dẫn quy trình vận hành công tác phòng chống dịch và cứu trợ khẩn cấp, trong đó có quy trình để các tổ chức xã hội, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có thể tham gia, cộng tác vào các hoạt động: Cứu trợ cho cộng đồng cư dân (cứu trợ nhu yếu phẩm, di chuyển, vận tải), hỗ trợ chính quyền trong công tác chống dịch khi TP cần huy động (xe cấp cứu, xe vận chuyển người trong hoặc ngoài TP), kêu gọi hỗ trợ đóng góp hiện vật, tài chính...

Việc minh định về chiến lược, minh bạch về chính sách nhằm phân vai trò, chức năng cụ thể của các bên liên quan, tránh nhầm vai, trùng vai, chồng chéo. Các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ cách thức triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, TP cần phát huy tối đa vai trò của người dân trong xã hội, những gì cộng đồng xã hội, mà đại diện là các tổ chức xã hội, tôn giáo, thiện nguyện, doanh nghiệp có thể đảm đương, hỗ trợ thì chính quyền kêu gọi và có quy trình để họ chung tay gánh vác.

Trong đợt dịch này, có những doanh nhân ở TP chỉ kêu gọi một, hai ngày đã được cả tỉ đồng để mua máy thở, trang thiết bị y tế hay các tổ chức tôn giáo có thể tiếp cận được các nguồn viện trợ quốc tế vì mục đích nhân đạo rất tốt. Hiện nay, TP có hàng ngàn doanh nhân, tổ chức xã hội, tôn giáo, từ thiện, hãy tạo hành lang pháp lý để họ đóng góp cho TP trong lúc cấp bách này.

. Ông có góp ý nào cho việc bảo vệ sức khỏe y bác sĩ, lo bữa ăn cho người dân mất việc làm?

+ Thời gian qua, có vẻ như chúng ta quá chú trọng vào giải pháp dịch tễ mà quên đi rằng các giải pháp khác sẽ giúp cho hoạt động chăm lo sức khỏe, điều trị giảm tải gánh nặng. Bởi các khâu khác làm tốt thì sẽ nhanh chóng ổn định tình hình khi sự lây lan giảm. Gánh nặng cho đội ngũ sẽ nhẹ hơn. Bên cạnh đó, như tôi đã đề cập ở trên, thời điểm dịch kéo dài, đội ngũ y bác sĩ cũng đã thấm mệt, chúng ta cần nhiều giải pháp chăm sóc tuyến đầu, từ miếng cơm, giấc ngủ (xoay ca) và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đội ngũ nhân viên y tế. Bởi họ mà không cầm cự được thì phòng tuyến cuối cùng sẽ đổ sụp.

Nguồn lực của Nhà nước cho tuyến đầu đang chưa đảm đương nổi trong khi các tổ chức xã hội, từ thiện, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội ở TP đang rất sẵn lòng tham gia gánh vác cùng TP qua cơn đại dịch này thì nên có một chính sách cởi mở cho họ.

Hiện các nhóm thiện nguyện vẫn đang âm thầm cứu trợ cho nhiều cư dân, hỗ trợ nhiều BV. Đó là nguồn lực vô cùng to lớn, quý giá mà TP nên tìm cách tổ chức, kêu gọi họ chung tay gánh vác ngay lúc này. Chúng ta đã kiên cường chống dịch theo cách chưa từng có tiền lệ. Và giờ đây chúng ta cũng cần một cách thức mới trong phối hợp, kêu gọi xã hội tham gia cứu trợ, cùng với đó là cởi mở cho các đội nhóm cứu trợ để gánh đỡ Nhà nước, giảm bức bối xã hội.

. Xin cám ơn ông.•

 
Giải pháp giảm tải tuyến đầu, cứu trợ khẩn cấp người dân ảnh 3
 

Quá tải ở bệnh viện
tuyến cuối

Ngày thường, vốn cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều BV cũng đã trong tình trạng căng thẳng vì số lượng lớn bệnh nhân nặng tập trung ở BV tuyến cuối. Do vậy, khi đại dịch xảy ra, cơ sở vật chất càng trở nên quá tải. Để vận hành một trung tâm điều trị COVID-19 với 200 bệnh nhân nặng cần có số lượng máy thở lớn. Bởi với COVID-19, nguy cơ tử vong chủ yếu do tình trạng suy hô hấp, khi đó máy thở là cứu cánh cho những bệnh nhân này. Thế nhưng, khả năng mua sắm máy thở và trang thiết bị khác tại các BV công là rất khó khăn vì nhiều nguyên nhân, như cơ chế mua sắm và cả nguồn hàng khi nhu cầu xã hội hiện tại rất lớn. Vì thế, nhiều tổ chức xã hội, nhà hảo tâm đã hỗ trợ bằng cách tặng máy thở và các trang thiết bị khác cho các cơ sở y tế. Điều này đã tiếp sức cho ngành y tế rất nhiều. Tôi cho rằng chúng ta nên có một chính sách cởi mở hơn cho các tổ chức xã hội, các cá nhân có thể tham gia vào việc hỗ trợ tuyến đầu cả về trang thiết bị lẫn vật tư y tế.

PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115

Hỗ trợ ngay các đội nhóm thiện nguyện
Hỗ trợ ngay các đội nhóm thiện nguyện
(PLO)- Trong khi chờ đợi văn bản cho các tổ chức, cá nhân cùng cứu trợ tuyến đầu thì lập trạm cứu tế y tế với mục tiêu cung cấp trang thiết bị y tế gửi đến các khu cách ly, điều trị, BV dã chiến

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm