Gương sáng giảng đường:

Gặp nữ tiến sĩ “hiếm hoi” đạt giải thưởng nghiên cứu về Vật lý

Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam (Vietnamese Theoretical Physics Society - VTPS) vừa công bố giải thưởng nghiên cứu trẻ năm 2020 dành cho những nhà khoa học dưới 35 tuổi.

Hai nhà khoa học vinh dự nhận giải thưởng này là TS Lê Thị Cẩm Tú, Nghiên cứu viên cơ hữu thuộc Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) và TS Phan Đức Anh (trường Đại học Phenikaa).

Tác giả 8 công trình trên tạp chí quốc tế

Điều đặc biệt hơn, sau 10 năm tổ chức giải, kể từ năm 2010, Cẩm Tú trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận giải thưởng này, còn lại đa số đều là nam.

Ngoài ra, TS Lê Thị Cẩm Tú đã được Ban tổ chức mời trình bày báo cáo tại Hội nghị Vật lý lý thuyết lần thứ 45 do Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với VTPS tổ chức trong tháng 10 vừa qua tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là hội nghị khoa học thường niên lâu đời nhất tại Việt Nam.

Tại đây, 135 báo cáo khoa học được thực hiện dưới 2 hình thức: trực tiếp và trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom.

Được biết, dù mới 32 tuổi nhưng TS. Lê Thị Cẩm Tú đã là tác giả của 8 công trình trên các tạp chí ISI. Bốn công trình trong số đó do cô là tác giả chính, còn lại ở vai trò thành viên trong nhóm nghiên cứu.

Trong đó có 2 công trình trên Tập san Physical Review A, một tập san hàng đầu về vật lý nguyên tử, phân tử và quang học của Hội Vật lý Hoa Kỳ (American Physical Society).

Đây cũng là hai công trình xuất sắc đã giúp Cẩm Tú dành giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2020.

Cụ thể, công trình thứ nhất: “Hiệu ứng của phân cực lõi động lên phổ sóng điều hòa bậc cao của phân tử CO”.

Công trình này khảo sát ảnh hưởng của phân cực lõi động (DCEP) đối với phân tử CO trong quá trình phát xạ sóng điều hòa bậc cao (HHG) bằng cách giải phương trình Schrödinger phụ thuộc thời gian (TDSE).

Công trình thứ hai là “ảnh hưởng của phân cực lõi động lên cực tiểu cấu trúc trong sóng điều hòa bậc cao của phân tử CO2”.

Theo nghiên cứu này, phân cực lõi động DCEP có vai trò quan trọng trong quá trình phát xạ HHG của các phân tử thẳng như CO và CO2.

Bằng khen và danh mục hai công trình được trao tặng giải thưởng của TS Cẩm Tú

TS Lê Thị Cẩm Tú. Ảnh: CTV

Từng chán nản và muốn dừng nghiên cứu

Chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải thưởng này, TS Lê Thị Cẩm Tú bày tỏ rất bất ngờ vì đây là giải thưởng thường niên nhưng từ năm 2010 đến nay có rất ít nữ được nhận giải thưởng này.

Cẩm Tú cho biết, quê cô ở Long An. Lúc trước, cô học Sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Từ thời phổ thông, Tú đã thích và có thế mạnh học các môn khối tự nhiên. Trong đó, Vật lý là Tú thích học và thích nghe giảng nhất.

Khi thi đại học, ba của Tú muốn cô theo công nghệ thông tin nhưng nguyện vọng của cô chỉ muốn theo sư phạm Vật lý.

Ban đầu đi học, Tú chỉ mong muốn ra trường đi làm giáo viên nhưng trong quá trình học, thử sức làm nghiên cứu cùng với giảng viên và một số sinh viên khác về vấn đề liên quan đến gốc bazo của phân tử DNA.

 “Khi nghe thầy nói “thấy em có tố chất làm nghiên cứu” nên mình thử sức làm đề tài theo thầy hướng dẫn. Khi đó, nghiên cứu khoa học cũng còn xa lạ lắm, và đây chỉ là hoạt động bổ trợ cho sinh viên thôi. Kết quả là đề tài của nhóm được giải nhì cấp trường và được đăng trên một tạp chí quốc tế vào năm 2014 nên vui lắm, thấy nghiên cứu giúp mình học hỏi và tìm tòi ra nhiều cái hay” – Cẩm Tú nói.

Khi ra trường, Tú cảm thấy dù tốt nghiệp ĐH rồi nhưng kiến thức vẫn chưa đủ nên cô thấy không tự tin để đứng lớp giảng dạy, Tú muốn tiếp tục học và nghiên cứu.

Tú quyết định học nghiên cứu sinh tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trong thời gian này, cô đi dạy thỉnh giảng cho một số trường ĐH tiếp tục nghiên cứu các đề tài mới cùng người thầy trước đó và trở thành cộng tác viên cho trường ĐH Tôn Đức Thắng từ năm 2016. 

Các đề tài của Cẩm Tú chủ yếu về quá trình tương tác giữa vật chất, tức là phân tử hay nguyên tử với trường laser, từ đó ứng dụng chế tạo laser để tìm hiểu sâu bên trong vật chất.

“Mỗi đề tài nghiên cứu về một khía cạnh nào đó của quá trình tương tác giữa laser và phân tử. Càng làm càng thấy nghiên cứu như một vòng xoắn ốc đi lên, cứ lần từng sợi dây đi theo thôi. Mỗi khi làm được cái gì đó hay phát hiện ra gì mới thì vui và càng hưng phấn hơn” – Tú bày tỏ.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Vật lý, tháng 12-2018, Cẩm Tú xin về trường ĐH Tôn Đức Thắng và trở thành nghiên cứu viên cơ hữu.

Nói về những khó khăn đối với nhà khoa học nữ, Cẩm Tú chia sẻ: “Cái khó nhất không phải là nam hay nữ vì mỗi người có thế mạnh riêng, có phương pháp riêng, nhưng quan trọng nhất trong nghiên cứu là sự tập trung và kiên trì”. 

Cẩm Tú cho biết, làm nghiên cứu không phải cứ làm là sẽ ra vì có giai đoạn khi còn làm nghiên cứu sinh, Tú loay hoay đủ kiểu cũng không giải ra được. Tú rất chán nản và cũng muốn bỏ nhưng sau đó cô chia sẻ khó khăn của mình ra và nhận được sự giúp đỡ nên cô may mắn và vượt qua được.

Định hướng sắp tới là Tú tiếp tục nghiên cứu, đồng thời tìm cơ hội để ra nước ngoài nghiên cứu sau tiến sĩ.

Tài năng và nỗ lực sẽ quyết định thành công

TS Cẩm Tú là nghiên cứu viên rất say mê nghiên cứu, có năng lực, luôn cố gắng để mong muốn có các công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín.

Đạt giải thưởng nghiên cứu trẻ vừa qua không chỉ là thành tích lớn của riêng TS Cẩm Tú mà đó còn là thành công, nguồn động viên rất lớn dành cho những nghiên cứu viên, nhất là nữ. Bởi trong nghiên cứu khoa học, ở lĩnh vực Khoa học tự nhiên, nhất là trong ngành Vật lý và ở trình độ cao, số lượng nữ giới rất ít, thậm chí hiếm.

Giải thưởng một lần nữa nói lên việc thành công trong nghiên cứu không chỉ dành cho nam mà còn cả cho nữ, nếu chúng ta có nỗ lực và tài năng.

Ngoài ra, kết quả này cũng cho thấy nhà trường rất chú trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, thu hút nhiều nghiên cứu trẻ, có năng lực, có thể làm những công trình có ý và chất lượng.

Bởi để dành giải thưởng này phải đạt hai tiêu chí, thứ nhất là công trình nghiên cứu của tác giả đó được công bố trên tạp chí uy tín nào. Công trình phải mở đường cho chuỗi nghiên cứu tiếp theo về chủ đề đó, tức lượt tham khảo hay trích dẫn trong các công trình tiếp theo.

Thứ hai, sau công trình đó, người làm nghiên cứu có thể mở rộng ra cho các công trình khác tốt hơn, để đăng trên các tạp chí cao hơn.

Cẩm Tú đã xuất sắc vượt qua vì 2 công trình của TS Cẩm Tú đã được đăng trên Tập san Physical Review A, một tập san hàng đầu về vật lý nguyên tử, phân tử và quang học của Hội Vật lý Hoa Kỳ (American Physical Society).

(PGS.TS Phạm Thanh Phong, Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu, Trường ĐH Tôn Đức Thắng)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm