Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực chiều 23-9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 không có gì thay đổi so với năm 2020. Theo đó, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trước câu hỏi của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 98-99% mỗi năm thì có cần duy trì kỳ thi tốt nghiệp hay không? Kỳ thi có cần phải phân loại học sinh hay không? Các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã thảo luận và cho rằng kỳ thi là cần thiết.
Tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 6 năm đổi mới thi, đánh giá, kỳ thi được hoàn thiện theo hướng năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch COVID-19 nhưng tiến trình đổi mới kỳ thi vẫn theo xu hướng tốt, kiên định.
Bộ trưởng cho biết thêm, qua ý kiến của các thành viên, Bộ GD&ĐT tiếp thu và cho rằng phương thức thi tốt nghiệp THPT cần giữ ổn định. Vì thế kỳ thi 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020.
Theo Bộ trưởng, những năm tiếp theo, tinh thần là ổn định, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ vào kiểm tra, đánh giá cho phù hợp; thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính. Chú trọng phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Phát biểu kết luận cuộc họp liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới thi là quá trình được bàn từ khi xây dựng Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp đến là Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29. Bộ GD&ĐT chọn thi cử là khâu đột phá vì thi được người dân quan tâm, nhiều bức xúc nhất ở thời điểm đó.
Cạnh đó, đổi mới cần có lộ trình, qua 6 năm thực hiện lộ trình đổi mới thi đến nay cơ bản đã hoàn thành. Năm nay dù bị ảnh hưởng dịch nhưng chúng ta đã tổ chức kỳ thi và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng ngân hàng đề thi ngày càng phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học, ôn luyện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy càng nhiều càng tốt, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí.