Sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án tổ chức thi THPT năm 2020, nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng đã công bố những điều chỉnh trong tuyển sinh theo hướng tự chủ. Bên cạnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT, nhiều trường lên phương án tổ chức thi tuyển riêng.
Nhiều trường đại học mở kỳ thi riêng
Tại khu vực phía nam, kỳ thi đang thu hút sự quan tâm, đăng ký của thí sinh nhất hiện nay là kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Hiện đã có khoảng 50.000 thí sinh đăng ký dự thi cho đợt 1 và cũng đã có đến khoảng 60 trường ĐH, cao đẳng sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Theo kế hoạch mới nhất, kỳ thi dự kiến sẽ tổ chức hai đợt, cuối tháng 6 và cuối tháng 8. Bài thi dưới dạng trắc nghiệm với 120 câu, thời gian làm bài 150 phút.
Tương tự, tại TP.HCM, nhiều trường ĐH khác như ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), Công nghệ TP.HCM, Hồng Bàng, Nguyễn Tất Thành, Văn Hiến… cũng tổ chức thêm kỳ thi riêng để tuyển sinh. Không chỉ một đợt, một số trường tổ chức nhiều đợt thi khác nhau để xét tuyển.
Tại khu vực phía bắc, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng vừa quyết định chốt phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành kỹ thuật và kinh tế, với chỉ tiêu dự kiến khoảng 30%-35% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Theo hội đồng tuyển sinh của trường, nội dung bài thi được thiết kế gọn gồm hai phần toán và đọc hiểu với thời gian làm bài 120 phút. Thời gian thi được ấn định vào ngày 15-8. Thí sinh được đăng ký dự thi tại một trong ba địa điểm: Hà Nội, Thanh Hóa hoặc Sơn La.
Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT (toán-lý hoặc toán-hóa) để xét tuyển.
Ngoài ra, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT năm nay, nhiều trường ĐH lớn ở Hà Nội cũng quyết định tổ chức thêm kỳ thi riêng, bên cạnh các phương thức tuyển sinh khác như tuyển thẳng, xét điểm thi THPT... Cụ thể như ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, sau khi nắm tình hình và cân nhắc lại, những trường này đã quyết định hủy những kỳ thi này và tiếp tục tuyển sinh theo các phương thức khác như năm 2019.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2019. Ảnh: PHẠM ANH
Thi riêng dễ tạo sự bất công
Bằng quan điểm cá nhân, vừa qua PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đã “kêu gọi” các trường không nên tổ chức thi riêng, trừ các trường cần thi môn năng khiếu. Bởi như vậy sẽ tạo thêm vất vả, tốn kém cho thí sinh.
“Điều này cũng tạo ra sự bất công vì các em học sinh vùng sâu không có tiền để đi thi. Như vậy chỉ tạo điều kiện cho các em con nhà giàu. Tuyển sinh mà tạo ra bất công là không nên” - PGS-TS Dũng chia sẻ.
Theo PGS-TS Dũng, thật ra chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ trình độ vào ĐH. Các trường ĐH chất lượng thường sàng lọc tốt. Đầu vào có thể dễ dàng nhưng đầu ra nếu siết chặt, chất lượng sẽ đảm bảo.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng về lâu dài, cơ quan chức năng nên khuyến khích phát triển, đầu tư các trung tâm khảo thí như trung tâm khảo thí của ĐH Quốc gia TP.HCM để phát triển kỳ thi đánh giá năng lực một cách độc lập. Việc này sẽ nâng cao hiệu quả đánh giá, giảm chi phí cho phụ huynh, học sinh và phân loại chính xác năng lực thí sinh cũng như theo xét tuyển của các trường.
Chất lượng của quá trình đào tạo quan trọng hơn đầu vào Đầu vào chỉ là một trong nhiều tiêu chí để có chất lượng đầu ra phù hợp. Quan trọng hơn cả là quá trình đào tạo của nhà trường phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. PGS-TS NGUYỄN THU THỦY, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH |
“Việc các trường tự tổ chức thi sẽ rất tốn kém nhưng rồi lấy điểm rất cao để đậu nhưng mức điểm đó không đưa về mặt bằng chung để đánh giá tổng thể được” - PGS-TS Quân chia sẻ.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng Bộ GD&ĐT cần có khâu hậu kiểm, nhất là về chất lượng đào tạo, nâng cao trách nhiệm giải trình với các trường. Bởi thực tế có một số trường mở kỳ thi này chỉ để vơ vét thí sinh, kiểu “tự ra đề, dễ trúng tuyển”. Nếu chất lượng đào tạo không được kiểm soát sẽ tạo gánh nặng cho xã hội khi đào tạo ra những nhân lực kém.
Bàn về vấn đề này, chia sẻ với báo chí và phụ huynh, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH của Bộ GD&ĐT, cho rằng nhìn chung năm nay phổ biến vẫn là những phương thức đã sử dụng trong ba năm qua: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, kết quả đánh giá năng lực; tuyển thẳng,…
Theo bà Thủy, sẽ chỉ có những trường ĐH thuộc nhóm đặc thù như y dược, quân đội, nghệ thuật… và một số ít trường ĐH có mức độ cạnh tranh cao, có những yêu cầu riêng về chất lượng đầu vào có nhu cầu tự tổ chức các bài kiểm tra đánh giá năng lực.
Bà Thủy cho rằng việc trường lựa chọn hình thức xét tuyển nào là quyền tự chủ của các trường, nhà trường có trách nhiệm giải trình trước xã hội, trước người học, trước các cơ quan quản lý nhà nước về việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đào tạo.
Trước ngày 10-5 sẽ có quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020 Theo khảo sát nhanh của các trường gửi về Bộ GD&ĐT, hầu hết các trường vẫn căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, dù tỉ trọng thí sinh trúng tuyển qua hình thức này có thể giảm đi so với năm trước, ví dụ hơn 80% vào năm 2017, hơn 70% năm 2018 và hơn 60% năm 2019, thì năm 2020 tỉ lệ này dự báo vào khoảng 50%. Bộ GD&ĐT cũng thông tin hiện bộ đã tiến hành xây dựng quy chế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến ban hành trước ngày 15-5 và quy chế thi tuyển sinh ĐH sẽ ban hành trước ngày 10-5. Bộ cũng sẽ ban hành đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến trước ngày 10-5 để học sinh yên tâm. |