Ngay sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH không khỏi lo ngại cho mùa tuyển sinh năm nay. Nhiều phương án dự kiến được tính nhưng các trường vẫn lo ngại về chất lượng đầu vào.
Chuyển hướng xét học bạ là chính
Trưa 22-4, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã chính thức thông báo đến thí sinh về việc xét tuyển bằng học bạ.
Theo đó, trường sẽ xét tuyển bằng học bạ năm học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) cho tất cả ngành, mỗi em đăng ký tối đa 10 nguyện vọng, lệ phí 10.000 đồng/nguyện vọng, vào đại trà hoặc chất lượng cao.
Trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 từ ngày 24-4 đến 15-6, công bố kết quả và báo nhập học ngày 25-6. Đặc biệt, thí sinh tốt nghiệp năm 2018, 2019 vẫn được xét bằng học bạ.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là năm đầu tiên trường phải xét tuyển học bạ như vậy vì năm nào trường cũng xét tuyển chủ yếu dựa vào kỳ thi THPT quốc gia, còn kỳ thi năm nay chỉ để xét tốt nghiệp nên khó đủ tin cậy. Tuy nhiên, để công bằng cho học sinh giỏi, trường sẽ thêm phương án cộng điểm ưu tiên cho những em học ở những trường chuyên, hoặc trong tốp 200 trường tốt nhất.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng cho biết với cách thi THPT năm nay, trường sẽ tập trung điều chỉnh chỉ tiêu cho ba phương thức xét tuyển mà trường đã công bố. Trong đó, chủ yếu vẫn là ưu tiên xét học bạ và trường cũng đã thu nhận hồ sơ ngay từ trong tháng 3. Ngoài ra, trường sẽ tăng chỉ tiêu cho xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trường cũng dành một phần chỉ tiêu cho kỳ thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức.
Ngoài các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, đến nay cũng đã có hơn 40 trường ĐH-CĐ đăng ký sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH này tổ chức để xét tuyển nhằm đảm bảo chất lượng và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng đang chuẩn bị họp bàn để đưa ra phương án cụ thể cho kỳ tuyển sinh năm nay.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng chắc chắn năm nay sẽ có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, tuyển nhiều đợt trong năm. Ngoài các phương thức xét tuyển như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, đánh giá năng lực, các ĐH cùng khối ngành, nhóm ngành, cùng chung sứ mệnh có thể liên kết với nhau để tuyển sinh.
“Đây là lúc trường ĐH phải thể hiện năng lực tự chủ thực sự của mình, chọn phương thức phù hợp, lấy chất lượng làm đầu, giữ uy tín, thương hiệu của quá trình đầu vào, đào tạo và đầu ra, nếu không sẽ phải tự đào thải” - TS Lý chia sẻ.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM trong một ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: PHẠM ANH
Vẫn sử dụng điểm từ kỳ thi THPT
Đây là một trong những phương án được khá nhiều trường sử dụng trong điều kiện dịch bệnh chưa thể tổ chức thi riêng như hiện nay.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng với hình thức tổ chức thi như năm nay, trường sẽ cân nhắc lại các phương thức xét tuyển đầu vào của trường.
Ông Hải cho hay trường sẽ tính toán kết hợp sử dụng cả điểm thi THPT lẫn xét học bạ năm học kỳ (tức trừ học kỳ 2 của lớp 12) để xét tuyển với tỉ lệ nhất định. Tuy nhiên, dù tổ hợp xét vào trường chủ yếu khối C (văn, sử, địa) nhưng trường sẽ không xét điểm học bạ chỉ những môn trong tổ hợp này mà sẽ xét chung tất cả để đảm bảo đánh giá được quá trình học của các em và công bằng hơn. Ngoài ra, trường vẫn dành một tỉ lệ nhất định cho tuyển thẳng để lựa chọn những em giỏi, có ngoại ngữ tốt.
Bên cạnh đó, trường cũng dự tính sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vì dù sao đây cũng là kỳ thi tổ chức nghiêm túc và thu hút lượng lớn thí sinh tham gia.
Bày tỏ lo lắng về phương án thi THPT năm nay, PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho rằng trường cũng đang cùng với Trường ĐH Y Dược TP.HCM tìm phương án phù hợp nhất để tuyển sinh nhưng chưa thống nhất.
Theo PGS Xuân, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, trường dự tính vẫn sẽ sử dụng kết quả thi THPT nhưng sẽ cộng thêm điểm các đợt thi ở các khối lớp 10, 11, 12 để có thể đánh giá được quá trình học tập của các em. Như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho thí sinh vì không thể tổ chức thi riêng được mà vẫn tuyển sinh có chất lượng.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng cho biết sẽ điều chỉnh các phương thức xét tuyển. Trong đó, trường tăng chỉ tiêu từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đến 10%, 40% chỉ tiêu từ xét tuyển theo học bạ lớp 12 và chỉ còn 50% chỉ tiêu lấy từ điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến nay cả nước đã có khoảng 10% các trường ĐH có phương án thi riêng, chủ yếu là những trường tốp đầu như công an, quân đội, y dược; 28% trường sử dụng học bạ để xét tuyển, chủ yếu là những trường tốp thấp; số còn lại đang tiếp tục tìm phương án tuyển sinh phù hợp để chính thức công bố đến thí sinh. |