Dưới cái dù người ta dựng ven đường, thằng nhỏ rúm ró cầm cái bao tải cũ trên tay, thở dài thườn thượt. Nó có đôi mắt rất đẹp, to tròn, đen láy, làm sáng lên cả gương mặt đen thui và thân hình chút ét của nó.
Tôi kêu qua cái mái hiên to đùng này trú. Nó bảo cách 2 m cho cô đỡ sợ dịch. Nó nói bằng chất giọng miền Tây đặc sệt: “Cô là người nhà nước hả?”.
Mái hiên nơi tôi gặp thằng nhỏ. Ảnh: THU HÀ
Tôi bảo không, vì sao lại hỏi thế. Nó bảo con nhìn bộ đồ cô đang bận. Tôi thật tình không biết vì sao cái bộ đồ xộc xệch trên vàng dưới đen của mình lại được gọi là người nhà nước, cũng không biết từ bao giờ người ta nhìn đồ để thử coi là làm nghề gì, to hay nhỏ.
Tôi nói chỉ là người làm thuê, làm mướn vậy đó, rồi kêu nó qua cái mái hiên to đùng này trú. Còn tôi thì qua đó, sẽ cách xa 2 m theo ý của nó nhưng thằng nhỏ lắc đầu quầy quậy. Nó bảo nó đứng đây, nước có bắn lên cũng không sợ dơ đồ vì đồ nó dơ sẵn rồi. Còn tôi thì không.
Nó nói vậy thôi mà làm lòng tôi rúm ró, khó chịu lạ thường. Tôi hỏi nó làm nghề gì, ở đâu. Nó bảo nó lượm ve chai.
“Lượm ve chai vui lắm à nghen, ngày con kiếm được mấy chục lận đó".
Nó bảo nghề lượm ve chai là nghề truyền thống, mấy đời nhà nó truyền lại. Cái nó ngồi kể tôi nghe về cái nghề truyền thống mấy đời nhà nó. Nó kể oách lắm à nghen. Lượm phải biết chỗ, lượm xong phân ra rồi đem đi bán. Bán phải lựa vựa, bán xằng bán cuội, lỗ không chừng. Nó còn kể có khi lượm được đồ còn xịn, về dùng lại được.
"Lượm chứ không có ăn cắp đâu nghen" - nó nói chắc nịch. Nó bảo mai chừng lỡ đâu dịch dài dài, tôi mà không có việc, có còn gặp lại nó, nó truyền nghề lại cho…
Bên ngoài trời mưa xối xả, tôi đứng đó, nghe thằng nhóc kể câu chuyện nghề, mà đầu cứ nghĩ đâu đâu...