Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, làng mai vàng Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã bắt đầu rộn ràng không khí mùa xuân.
Những người lặt lá mai thuê đang tất bật với công việc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Tại một vườn mai trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), những người lặt lá mai thuê đang tất bật với công việc. Anh Nguyễn Hoàng Minh Khôi, nhân viên trông coi vườn mai, cho biết có khoảng 5.000 cây mai được vận chuyển từ vườn chính trên đường Bình Phú (TP Thủ Đức) sang để lặt lá và bán tết. Vườn bắt đầu thuê người lặt lá cách đây một tuần, dự tính hai ba ngày nữa sẽ lặt xong và chưng bán tết.
Chị Kim Thúy (49 tuổi, ngụ quận ) đang cặm cụi lặt từng chiếc lá mai. Chị cho biết vào mỗi dịp tết, nhà vườn ở đây đều thuê người lặt lá mai. Chị cũng tranh thủ đến làm để kiếm thêm thu nhập.
Lặt lá mai phải biết cách, khéo léo để nụ hoa không bị rụng. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
“Công việc nhẹ nhàng nên ở đây ai cũng sẵn sàng làm, có cả các em nhỏ cũng đến làm. Dù công việc ngắn ngày, chỉ vài hôm nhưng cũng giúp tôi có thêm tiền trang trải dịp tết. Lặt lá mai nghe thì dễ nhưng cần sự tỉ mỉ để không làm gãy cành, rụng nụ. Như vậy hoa mới nở đều và đẹp được” - chị Thúy bày tỏ.
Tương tự chị Thúy, anh Minh Hải (52 tuổi, ngụ quận 9) cũng được thuê đến vườn để lặt lá mai. Anh chia sẻ, để những cây mai trổ hoa đẹp nhất vào ngày tết, nhà vườn phải tỉ mỉ chăm sóc cả năm. Anh Hải làm công việc lặt lá mai đã nhiều năm nay, mỗi dịp tết về.
Anh Hải làm công việc lặt lá mai đã nhiều năm nay. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
“Mỗi ngày tôi có thể kiếm được từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng nhờ vào việc lặt lá. Có những cây mai lớn giá trị cả tỷ đồng, lá nhiều lặt cả ngày còn chưa xong, phải vài ba người làm cùng mới xuể. Nhiều người mới đến làm đứng lâu không chịu nổi là nghỉ ngay. Tôi làm nhiều nên quen rồi, dù nắng nôi nhưng cũng chẳng thấy mệt” - anh Hải tâm sự.
Được biết, hiện tại vườn có khoảng 30 nhân công lặt lá thuê, trong đó có cả người già và trẻ em. Một số thanh niên sẽ phụ trách công việc nặng nhọc như khuân vác chậu mai từ xe tải xuống sân vườn và vận chuyển lúc cần thiết.
Trẻ em theo ba mẹ ra vườn lặt lá mai thuê. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Một số thanh niên phụ trách công việc vận chuyển chậu mai. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bà Út (87 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) mỗi dịp gần tết đều đi lặt lá mai thuê. Vụ mai này bà đã lặt lá được hai ngày, khoảng ba ngày nữa là xong công việc. Bà làm từ sáng sớm, trưa mang cơm theo ăn và nghỉ ngơi tại vườn. Đến chiều hết giờ làm bà sẽ được nhận lương của ngày hôm đó.
“Tôi cũng già rồi, những công việc nặng nhọc khác không làm nổi. Vài năm gần đây người ta thuê nên tôi đến đây lặt lá mai. Từ đó mỗi năm tôi chỉ mong đến tết để có thêm thu nhập. Chân tôi hay mỏi, đứng lâu không được nên người ta cho tôi cái ghế ngồi lặt. Dù làm việc này phải phơi nắng ngoài trời cả ngày nhưng có thêm tiền trang trải nên tôi cũng ham. Năm nay tôi chỉ ăn tết đơn giản thôi” - bà Út chia sẻ.
Bà Út lặt lá mai thuê đã vài năm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Cũng là người lặt lá mai thuê giống bà Út, nhưng Bà Kim Dung (60 tuổi) ở trọ tại TP Thủ Đức làm công việc này đã mười mấy dịp tết. Lúc trước bà làm ở những vườn khác, từ thời làm một ngày chỉ được 50.000 đồng, sau đó vài năm thì được 100.000 đồng.
Bây giờ bà Dung làm ở vườn mai này, chủ vườn trả mỗi giờ 30.000 đồng. Bà làm từ 7 giờ đến 11 giờ, nghỉ trưa một tiếng sau đó làm đến chiều, nhận lương rồi về.
Chủ vườn tính công theo giờ, mỗi giờ 30.000 đồng. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bà Dung cho biết nhìn công việc tưởng đơn giản nhưng phải biết cách lặt lá thì mai mới không bị gãy cành gãy nụ. Lá mai phải lặt xuôi đúng chiều thì mới giữ được nụ hoa. “Vì chỉ làm vài ngày là hết việc nên tiền kiếm được không nhiều, chỉ thêm vài chi phí hàng ngày chứ không mua sắm tết gì được” - bà Dung tâm sự.
Ở một góc vườn, chị Thu Hương (45 tuổi) cùng con gái Ánh Linh (10 tuổi) đang chăm chỉ lặt lá mai. “Bé học online buổi sáng, chiều rảnh nên theo mẹ ra đây. Công việc cũng đơn giản, không nặng nhọc gì nên tôi để con theo cho vui. Ngày đầu tôi chỉ cho cách lặt lá cho con, sang ngày sau con tự biết làm. Tuy hơi nắng xíu nhưng bé nói ngoài này đông người nói chuyện, vui hơn ở nhà” - chị Hương vừa làm vừa nói.
Bé Ánh Linh theo mẹ lặt lá mai thuê. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Chị Hương kể năm nay là năm đầu tiên chị đi lặt lá mai thuê cho người ta. Một ngày hai mẹ con chị lặt được khoảng 25 đến 30 cây mai, tiền kiếm được đi chợ hàng ngày, nếu dư sẽ mua cho con bộ quần áo mới mặc tết.