Phải nhốt ‘quái vật’ karaoke kẹo kéo vào lồng pháp luật

Không còn nghi ngờ gì nữa, karaoke kẹo kéo đã trở thành nạn dịch quấy nhiễu đời sống con người đến mức không thể nào chịu thấu nữa!

Khi ông Inoue Daisuke, người Nhật phát minh ra karaoke, ai cũng có thể trở thành ca sĩ trong thời buổi công nghiệp bận bịu tối mắt, không có thời gian đến nhà hát. Karaoke có thể thay cho một dàn nhạc và hỗ trợ người hát một mình với bất cứ thể loại nào. Karaoke đến Việt Nam khoảng trước năm 2000 rồi nhanh chóng đi vào đời sống xã hội và biến tướng rất nhanh.

Từ phương tiện giải trí lành mạnh, karaoke kẹo kéo trở thành thứ tra tấn  con người đinh tai nhức óc khắp ngõ cùng quê...

Ngày nay karaoke có ở khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược, từ trong nhà ra ngoài phố. Ban đầu nó có mặt trong nhà hàng, đám cưới, đám ma nhưng rồi dần dần tràn ra đường phố, công viên, bờ kè, bãi biển, ruộng đồng và ở trong mỗi gia đình.

Việc hát karaoke sẽ là thú vui giải trí lành mạnh nếu nó là một loại hình sinh hoạt ở trong mỗi khuôn viên gia đình, trong các câu lạc bộ, nhà hàng với liều lượng âm thanh vừa phải, thời gian sử dụng hợp lý với nội dung được chọn lọc. Thế mà không hiểu sao càng ngày nó càng trở nên kỳ quái, nó làm đảo lộn mọi sinh hoạt đời sống của người dân.

Người dân sau một ngày làm việc mệt mỏi, về nhà hay ra phố uống ly cà phê chỉ mong có được không gian yên tĩnh để thư giãn. Dường như cả thành phố này, cả nước này đang phải hứng chịu những thứ âm thanh chát chúa, quái đản được phát ra từ mọi thể loại giọng ca. Lỗ tai con người thì có hạn mà nạn lên đồng của các ca sĩ nghiệp dư thì dường như vô hạn, cộng với công suất hết cỡ của những chiếc loa kẹo kéo di động đã khiến loại hình giải trí văn hóa trở thành nạn tra tấn vô đối.

Ngoài những ca sĩ lang thang đường phố (thường gọi là ca sĩ kẹo kéo) kéo những dàn loa khủng đến các khu hội chợ, quán nhậu ra thì còn có các ca sĩ mặt mũi đỏ gay hú hét trong các quán ăn, đám ma, đám cưới, đám giỗ, đám thôi nôi, đám khai trương... Vui cũng karaoke, buồn cũng karaoke, không vui không buồn cũng karaoke.

Việc hát karaoke đã trở thành vấn nạn xã hội và hệ lụy của nó, ngoài việc mang lại sự bực bội, bức bối, uất giận của xung quanh, giờ đây nó đã mang đến nhiều vụ án mạng quá khủng khiếp. Đã có nhiều người chết chỉ vì tranh nhau micro, tranh nhau thể hiện “tài năng”, chọn bài trùng nhau và cả những người dân hiền lành phải ra đi vì phản ứng karaoke kẹo kéo như một thầy giáo ở Thuận An, Bình Dương vào đêm cuối tuần vừa rồi. Mà không chỉ có dân thường bị vạ, đến ngay cả công an, người có quyền hành đang thực thi công vụ cũng bị đánh trọng thương vì đi dọn dẹp loa kẹo kéo. Thậm chí có những trận đâm chém nhau của hàng chục thanh niên xuất phát từ những mâu thuẫn quanh thùng loa karaoke kẹo kéo.

Karaoke tự thân không có gì xấu. Nó chỉ là một công cụ kỹ thuật nhưng một khi con người lạm dụng nó quá mức để trở thành công cụ tra tấn xã hội thì vấn đề không còn là chuyện cá nhân, chuyện nhà tôi hay nhà anh nữa. Người Nhật, người Hàn và cả những người ở các nước châu Á phát triển khác họ cũng thích hát karaoke nhưng chỉ ở trong bốn bức tường nhà và rất văn minh. Có lẽ duy nhất chỉ có ở Việt Nam karaoke mới tràn ngập ra không gian công cộng và trở thành một công cụ tra tấn con người ở mức độ khủng khiếp nhất.

Không thể chậm trễ hơn được nữa, Nhà nước cần ban hành ngay những quy định thật cụ thể với những chế tài thật nặng để điều chỉnh loại hình giải trí này, trả nó về đúng chức năng giải trí lành mạnh ban đầu. Những quy định mang tính chế tài đó liên quan đến địa điểm, thời gian, âm lượng và cả nội dung nữa. Không thể có chuyện muốn kéo dàn loa di động đi đâu thì đi, muốn hát bất cứ giờ nào thì hát, hát thâu đêm suốt sáng với âm lượng cỡ nào cũng được. Nếu chậm trễ nữa, nhất định sẽ còn nhiều người chết, bị thương, nhiều mối quan hệ xã hội, làng xóm, cộng đồng vốn dĩ thân thiết sẽ rạn vỡ, tan nát vì con quái vật gớm ghiếc này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm