Đơn đã gửi đến UBND tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Xung quanh yêu cầu này, các bên liên quan và luật sư đưa ra lý giải của mình. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Thủy điện không sai Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa: “Theo quan điểm của chúng tôi, phía thủy điện họ không sai bởi hồ Đa Nhim được phép xả lũ tối đa lên tới hai nghìn mấy mét khối/giây, trong khi vừa rồi họ chỉ mới xả 500m3/ giây. Thật ra, người dân canh tác ở vùng hạ du dọc suối Đa Nhim - vùng thoát lũ - thì khi gặp rủi ro đành phải chấp nhận, Nhà nước sẽ xem xét để có hướng hỗ trợ chứ thủy điện họ không sai”. Q.Sáng ghi |
Ông Trần Duy Việt - chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng - cho biết: - Việc xả lũ của hồ Đa Nhim gây thiệt hại hoa màu của nông dân vùng hạ lưu thuộc hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng vừa qua gây bức xúc cho người dân. Đồng ý rằng trong trường hợp bất khả kháng phải xả lũ để bảo vệ đập thủy điện, nhưng hồ Đa Nhim mới xả trên 500m3/giây đã làm thiệt hại 640ha hoa màu và 188ha lúa gần đến kỳ thu hoạch, ước tính thiệt hại 23 tỉ đồng. Nếu trường hợp xả với lưu lượng cao hơn thì sẽ ra sao? Đó là chưa kể mùa khô, hồ thủy điện Đa Nhim tích nước phát điện khiến hạ lưu trở thành con sông chết, người dân không có nước sản xuất. * Tình trạng trên xảy ra từ nhiều năm nay sao bây giờ mới lên tiếng, thưa ông?- Theo tôi được biết, cách đây gần 20 năm công ty có bồi thường ít nhiều cho người dân bị thiệt hại do thủy điện xả lũ gây ra. Nhưng từ đó đến nay năm nào nông dân cũng bị thiệt hại hoa màu mà không được công ty ngó ngàng đến. Hội Nông dân đại diện quyền lợi cho nông dân thấy cần phải lên tiếng. Bản thân hội cũng chưa đủ “lực” để đòi quyền lợi cho dân nên phải phối hợp với các ngành như nông nghiệp, tư pháp, hội luật gia... trong tỉnh cùng ngồi lại tìm kiếm hướng xử lý một thực tế bất hợp lý diễn ra lâu nay là thủy điện xả lũ thì cứ xả, người dân thiệt hại thì ráng chịu. * Cơ sở nào để hội đòi thủy điện phải chia sẻ những rủi ro với người dân từ quá trình xả lũ? - Đó là thực tế. Mỗi khi hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ là dân bị thiệt hại, cụ thể như đợt xả lũ vừa qua. Trước mắt, hội mới chỉ đặt ra vấn đề kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng đề nghị công ty xem xét hỗ trợ cho dân, ít ra cũng để khôi phục sản xuất. Về lâu dài phải có cơ chế chia sẻ rủi ro với người dân mỗi khi bị thiệt hại do xả lũ thủy điện. Qua đó phải tìm kiếm giải pháp nào đó để hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng thiệt hại nêu trên. Hội Nông dân sẽ đeo bám vấn đề này tới cùng để tìm kiếm giải pháp có lợi nhất cho dân. * Về lâu dài, theo ông, phải làm gì trước việc xả lũ của thủy điện hiện nay?- Tôi được biết hồ thủy điện Đa Nhim có dung tích phòng lũ thấp, chỉ 15 triệu m3 nước, không có hồ dự trữ cắt lũ, điều tiết lũ và không có cửa xả đáy. Điều này dẫn tới hệ lụy mùa khô hạ lưu không có nước tưới, còn mùa mưa phải xả lũ để bảo đảm an toàn cho đập dẫn tới gây thiệt hại cho dân. Nhưng không vì thế mà cứ để tình trạng này lặp lại hằng năm, vì như thế làm sao người dân chịu nổi. Cần phải có biện pháp cụ thể hạn chế thiệt hại, chẳng hạn khơi dòng chảy, xây bờ kè hay khuyến cáo người dân trong quá trình sản xuất. Trong thời gian tới, trên địa bàn Lâm Đồng không chỉ có hồ Đa Nhim mà còn nhiều công trình thủy điện khác, nếu không xử lý triệt để sẽ gây hậu quả khó lường đối với nông dân vùng hạ lưu. Người dân đã “hi sinh” ruộng vườn, nhà cửa mà họ sống bao đời, kể cả mồ mả ông bà để nhường đất xây dựng thủy điện nên khi đầu tư công trình cũng phải tính lợi cho dân. Vì vậy, tôi đề nghị các cấp, đối với các công trình thủy điện mới cần chú ý việc đảm bảo quyền lợi cho dân sống ở hạ lưu, đó là mùa khô vẫn có nước tưới, mùa mưa khi xả lũ không gây thiệt hại đến đời sống nông dân. TS - Luật Sư Phan Trung Hoài:Có cơ sở pháp lý để đòi bồi thường Có thể nói trong trường hợp hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương người dân đã bị thiệt hại “kép”, thiệt hại chồng lên thiệt hại, nên Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đặt vấn đề yêu cầu đòi ngành điện bồi thường không phải là không có căn cứ.Trong vụ việc trên, tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở pháp lý cho việc đặt vấn đề xem xét trách nhiệm và yêu cầu đòi bồi thường. Trước hết, việc xác định trách nhiệm được căn cứ vào điểm (e) điều 23 Luật tài nguyên nước quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện nghĩa vụ tài chính; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Về xử phạt vi phạm hành chính, cần dựa vào nghị định số 04 ngày 15-1-2010 của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt bão. Trong đó quy định xử phạt từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện trái quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc không thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn phải chịu hình thức buộc khôi phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra. Theo quy định tại điều 19 nghị định 112, tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa; phá hoại, gây mất an toàn hồ chứa hoặc có hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.Trong trường hợp này, việc yêu cầu và xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được căn cứ vào các quy định tại chương XXI Bộ luật dân sự năm 2005.
CHI MAI ghi
Đại diện Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi:“Chúng tôi xả lũ đúng quy trình” Ông Nguyễn Trọng Oánh, giám đốc Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, cho biết:- Chúng tôi xin khẳng định rằng toàn bộ quá trình xả lũ của hồ Đa Nhim luôn thực hiện theo đúng quy trình và quy định của pháp luật. Chúng tôi luôn có thông báo trước khi thực hiện xả lũ. Mặt khác, trước mỗi mùa mưa lũ đều thực hiện động thái kiểm tra, nhắc nhở bà con nông dân phía hạ du không được lấn chiếm dòng thoát lũ và nhanh chóng thu hoạch hoa màu. Năm 1964, công trình thủy điện Đa Nhim đã đi vào hoạt động. Thời điểm này lưu lượng xả lũ của công trình có thể đạt ở mức cao nhất là trên 3.000m3/giây, nhưng do lúc bấy giờ dân cư thưa thớt, dòng suối thoát lũ thông thoáng nên không có tình trạng ngập lụt phía hạ du. Còn trong mấy ngày qua chúng tôi mới xả lũ với lưu lượng rất thấp, chỉ 500m3/giây. Như vậy không thể nói do đơn vị thực hiện xả lũ gây nên ngập úng, thiệt hại hoa màu cho nông dân. Thực tế, những diện tích hoa màu bị ngập vừa qua hầu hết là do người dân lấn chiếm dòng suối Đa Nhim để canh tác. Việc lấn chiếm này chúng tôi đã liên tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng giải tỏa tất cả nhà cửa cũng như các công trình xây dựng kiên cố trên dòng chảy suối Đa Nhim. Việc này UBND huyện Đơn Dương đã từng cưỡng chế một số trường hợp, nhưng do chưa làm quyết liệt nên việc lấn chiếm hành lang thoát lũ trên sông Đa Nhim vẫn tái diễn. Sau đó qua nhiều lần làm việc, chính quyền địa phương nơi đây có đề nghị cứ để bà con canh tác, miễn sao đến trước mùa mưa lũ bà con thu hoạch là được và người dân cũng đã thống nhất như thế. Vậy nhưng bây giờ người dân mặc nhiên xem đây là đất sản xuất của họ.Chúng tôi xin khẳng định lũ lụt không phải do chúng tôi xả lũ gây ra mà là do tự nhiên, bởi thực tế lưu lượng do hồ Đa Nhim xả ra chỉ chiếm một phần nhỏ so với mức lũ đã có trên nội đồng ở phía hạ du mà thôi, vì trước đó khu vực này có lượng mưa rất lớn.
QUANG SÁNG ghi
Thủy điện Đăk Srông 2A bồi thường gần 1,2 tỉ đồng Chiều 8-11, chủ tịch UBND huyện Kông Chro (Gia Lai) Trần Cao Nguyên cho biết ban quản lý thủy điện Đăk Srông 2A đã bồi thường gần 1,2 tỉ đồng cho các hộ dân có hoa màu bị thiệt hại do ngập lòng hồ. Thủy điện Đăk Srông 2A do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư, với tổng công suất lắp máy 18MW và được chặn dòng trong tháng 9-2010. Từ khi chặn dòng tích nước đã làm ngập gần 20ha hoa màu của người dân các xã Sơ Ró, Ya Ma, Yang Nam và Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro. Bên cạnh đó, cầu Đăkpơkơ do bị lũ cuốn (cuối tháng 9-2009) làm mố cầu hư hỏng nặng nên tỉnh Gia Lai phải xây dựng ngầm với kinh phí 295 triệu đồng. Khi công trình thủy điện Đăk Srông 2A chặn dòng đã làm hệ thống ngầm này bị chìm sâu hơn 1m, khiến việc vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước bức xúc của người dân trong huyện về diện tích hoa màu hư hại, ngày 3-11 Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai và UBND huyện Kông Chro đã họp bàn với ban quản lý thủy điện Đăk Srông 2A để đưa ra phương án bồi thường thiệt hại cho người dân. “Riêng hệ thống đường đang bị ách tắc, ban quản lý thủy điện cam kết sẽ mở một con đường mới an toàn cho người dân đi lại...” - ông Nguyên cho biết. TRẦN THẢO NHI |
Theo TTO