Xăng dầu “lãi to” nhờ định mức lợi nhuận

Mới đây, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố doanh thu năm 2013 đạt 196.330 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.929 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận đến từ mảng kinh doanh xăng dầu gần 770 tỉ đồng.

Ngay sau khi con số lợi nhuận này được đưa ra, dư luận “xôn xao” cho rằng mức lãi “khủng” trên xuất phát từ những bất cập trong cơ chế.

mới chỉ lãi 1/3 mức cho phép

Thực tế, câu chuyện về lãi “khủng” của Petrolimex không có gì là mới. Trong suốt năm qua, mỗi quý DN này đều công bố doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Vì vậy, các báo cáo đều cho thấy mảng kinh doanh xăng dầu của DN này đều mang đến lợi nhuận đáng kể. Cụ thể, sau sáu tháng đầu năm 2013, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex đã lên tới 898 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận của lĩnh vực xăng dầu là 388 tỉ đồng.

Trong năm 2013, giá xăng tăng nhiều nhưng giảm nhỏ giọt. Ảnh: HTD

Chưa hết, đến quý III-2013, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex tiếp tục đạt trên 630 tỉ đồng. Như vậy, lũy kế chín tháng đầu năm, lợi nhuận của Petrolimex lên đến trên 1.400 tỉ đồng. Trong đó, “áng chừng” trên 700 tỉ đồng lợi nhuận đến từ kinh doanh xăng dầu.

Như vậy, việc cả năm 2013 DN này có mức lãi lớn là chuyện bình thường.

Vấn đề là chỗ mức lãi liên quan đến xăng dầu của DN này lại gắn liền với cơ chế định sẵn, cơ chế cho phép DN này lãi, thậm chí còn có thể lãi đến gấp ba lần. Vì công thức tính giá cơ sở của giá xăng dầu đã quy định, cho phép DN có lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Theo đó, cứ mỗi lít xăng người tiêu dùng mua thì đã trả sẵn mức lãi đó cho DN. Vì vậy, nếu tính đúng và tính đủ thì DN này phải lãi đến hàng ngàn tỉ đồng.

Một số ý kiến cho rằng việc Nhà nước đã định sẵn mức lợi nhuận cho DN giống việc quyết thay cho người tiêu dùng, rõ ràng trong trường hợp này người tiêu dùng gần như không còn vai trò quyết định. Bản thân sự tồn tại của một DN thống lĩnh thị trường đã làm cho người tiêu dùng bị yếu thế và sự can thiệp về việc định sẵn cơ chế lợi nhuận định mức càng làm người tiêu dùng thiệt thòi.

Bất cập từ cơ chế!

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế  Luật TP.HCM, phân tích không có thị trường nào mà Nhà nước lại định lợi nhuận định mức sẵn cho DN. “Cái gốc của vấn đề, với định mức lợi nhuận thì xăng dầu không thể hoạt động theo cơ chế thị trường vì Nhà nước đã định sẵn lợi ích cho DN. Điều đáng nói, với 300 đồng/lít thì đây là ngưỡng siêu lợi nhuận cho DN chiếm lĩnh thị trường lớn. Vì đối với một DN có doanh thu lớn thì mức lợi nhuận càng khủng khiếp. Với cách tính như thế này thì vô hình trung chỉ hỗ trợ cho DN lớn. Chính sách này sẽ hỗ trợ độc quyền hóa”.

Chưa hết, cũng theo ông Sơn điều đáng lo ngại nhất là với việc định sẵn lợi nhuận định mức như trên thì có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc thị trường. Bởi lẽ rất khó để khuyến khích các DN nhỏ có thể cạnh tranh được với một DN lớn với mức lợi nhuận “khủng” như trên.

Một chuyên gia kinh tế nhận định: “Do DN xăng dầu chưa được tự do định giá, vậy nên trong công thức tính giá xăng hiện nay phải để cho DN có lãi. Nhưng không nên quy định cứng nhắc mức lãi đó. Nên để con số lợi nhuận này linh hoạt, thậm chí DN nếu muốn cạnh tranh có thể hạ thấp mức lợi nhuận này để giảm giá”.

TS Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm: “Liên quan đến thị trường xăng dầu phải đặt vấn đề dưới góc cạnh hài hòa lợi ích của cả cộng đồng. Ở một thị trường mà sản phẩm đó có vai trò thiết yếu đối với đời sống người dân, ảnh hưởng đến nhiều DN sản xuất thì thị trường đó càng cần phải có cơ chế giám sát độc quyền mạnh. Phải đặt người tiêu dùng vào vị trí quan trọng chứ không thể chỉ quan tâm đến DN”.

MAI PHƯƠNG

Tăng thì nhiều nhưng giảm thì nhỏ giọt

Năm 2013, thị trường xăng dầu trong nước có 11 lần điều chỉnh giá. Trong đó, chỉ có năm lần điều chỉnh tăng giá và sáu lần còn lại là giảm giá. Thế nhưng điều đáng nói là năm lần điều chỉnh tăng giá đó cộng lại đã tăng lên 3.220 đồng/lít trong khi cả sáu lần giảm giá thì lại chỉ tương đương có 2.160 đồng/lít. Chưa hết, ngoài việc mức tăng mạnh hơn giá thế giới thì trong năm 2013 là năm quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục được sử dụng để bù phần lỗ cho các DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm