PHIÊN HỌP ĐẦU TIÊN CỦA CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ 2016-2021

Xây dựng Chính phủ không tham ô, không đùn đẩy trách nhiệm

“Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp” tiếp tục là tinh thần được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 1-8.

Chấn chỉnh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”

Chủ trì phiên họp thường kỳ này, việc đầu tiên là Thủ tướng trao các quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các thành viên Chính phủ. Chia sẻ với các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc các thành viên Chính phủ được Quốc hội (QH) phê chuẩn với tỉ lệ phiếu hầu hết đều cao hơn kỳ họp QH cuối nhiệm kỳ trước đó ba tháng đã thể hiện sự tín nhiệm của QH.

Không nói nhiều về thành tích, phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế của chính mình, qua đó đổi mới phương pháp làm việc. Tinh thần là đề cao trách nhiệm cá nhân, làm việc vì sự nghiệp chung, vì lợi ích nhân dân.

“Nếu chúng ta không gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, không phản ứng kịp thời trước các vấn đề đặt ra thì làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Dẫn lại ý kiến từ diễn đàn QH, “con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, Thủ tướng nhắn nhủ các bộ trưởng phải hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm. Ở tầm Chính phủ, ông yêu cầu thành lập ngay tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, mong có thể sớm chấn chỉnh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN

Đừng có vướng chút là đẩy lên Thủ tướng

Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Chính phủ là việc đã được khởi động ba tháng trước. Tại kỳ họp này, Thủ tướng đề ra thời hạn đến tháng 10, các bộ, ngành phải trình Chính phủ ban hành các nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Trên cơ sở đó, các bộ trưởng sớm ban hành quy chế làm việc với yêu cầu cao về tính minh bạch.

Dẫn kinh nghiệm từ Văn phòng Chính phủ, trên nền tảng hệ thống thông tin điện tử, nhiều năm nay người đứng đầu đã có thể theo dõi tiến độ xử lý từng văn bản của từng chuyên viên, người đứng đầu hành pháp trung ương yêu cầu: “Bộ trưởng phải nắm được toàn bộ công việc của cơ quan, văn bản ra phải biết là văn bản nào, đang ở đâu, xử lý thế nào, có chậm hay không. Nếu không nắm được thì không thể quy trách nhiệm cụ thể”.

Hạn chế lâu nay ở các cấp, các ngành là người đứng đầu hay vướng bận, chia sẻ quá nhiều thời gian cho các việc sự vụ, lễ tân, cắt băng khánh thành, phát biểu chỉ đạo. Nhiều việc thuộc trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương nhưng thấy khó một chút, vướng một chút lại đẩy lên xin ý kiến Thủ tướng…

Khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với tinh thần Chính phủ kiến tạo, các bộ trưởng, trưởng ngành cần tập trung cho công việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật. Đồng thời phải tăng cường phối hợp, không được đùn đẩy trách nhiệm. Văn phòng Chính phủ cần thực hiện nghiêm quy định, chỉ trình những văn bản đúng thẩm quyền lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không đúng thẩm quyền thì mạnh dạn gửi trả lại mà không cần xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ.

Không để xảy ra tham ô, tiêu cực

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác dự báo, bảo đảm sát tình hình, chính xác, kịp thời, đồng thời đưa ra phương án, kịch bản cụ thể, rõ ràng để ứng phó tình huống có thể xảy ra. “Phải sâu sát, thường xuyên nắm thông tin. Không được để tình trạng bộ trưởng không biết, không xử lý những vấn đề mới phát sinh, bức xúc. Không để dư luận nêu vấn đề rồi mới chạy theo xử lý” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ và từng thành viên phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác. Tăng cường họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin giảm bớt giấy tờ không cần thiết như giấy mời họp, tài liệu họp.

Thủ tướng hoan nghênh việc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về việc không tặng hoa chúc mừng và cho biết ông vẫn tiếp tục dùng chiếc xe cũ từ thời là Phó Thủ tướng.

“Nhiệm kỳ này, chúng ta phấn đấu xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, gây mất niềm tin trong nhân dân” - ông Phúc chia sẻ mong muốn ấy với các thành viên Chính phủ.

Cho ý kiến tám luật và nhiều nghị định

Trong phiên họp kéo dài hai ngày, Chính phủ cho ý kiến một số dự án luật về các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; công an xã; quản lý ngoại thương; quy hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; trợ giúp pháp lý; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và sửa các luật về đầu tư kinh doanh.

Chính phủ cũng cho ý kiến về nghị định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; về vấn đề xuất ngân sách mua bảo hiểm y tế cho thân nhân cán bộ, công nhân, viên chức trong quân đội, công an; về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Chính phủ cũng sẽ thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm; về kết quả đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2016; kiểm điểm công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm