Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Vĩnh (trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho biết: Năm 2014, ông xây dựng căn nhà trên thửa đất tại khu tập thể số 8 phố Lý Nam Đế. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, gia đình phải ra vào bằng lối cửa ngách thay vì cửa lớn như bao gia đình khác.
Nguyên nhân xuất phát từ một ụ đất rộng chừng 1m2, nằm ngay trước cửa.
Ụ đất “kỳ đà cản mũi”
Ông Vĩnh cho biết năm 2014, sau nhiều năm dành dụm vốn liếng, gia đình ông mua mảnh đất tại khu tập thể số 8 phố Lý Nam Đế.
Tuy nhiên, từ trước đó, chủ đất cũ và hộ gia đình liền kề đã có thời gian dài khúc mắc, liên quan đến phần ụ đất nằm giữa hai nhà. Do chưa được giải quyết triệt để, khúc mắc này tiếp tục kéo dài sang đến gia đình ông sau khi nhận chuyển nhượng. Cũng trong năm 2014, vợ chồng ông Vĩnh xây dựng căn nhà tại thửa đất trên. Trước khi xây nhà, ông đã trao đổi với hộ gia đình liền kề, cũng như đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết. Thế nhưng đến nay ụ đất vẫn tồn tại. Hệ quả, trong giấy phép xây dựng, căn nhà của ông Vĩnh phải sử dụng lối ra vào bằng cửa ngách. Phần diện tích lẽ ra có thể mở cửa chính thì lại chỉ được phép xây làm cửa sổ, vì phía trước là ụ đất đang án ngữ.
Vì ụ đất rộng chừng 1m2 m, gia đình ông Vĩnh trổ cửa ngách để đi lại trong nhiều năm nay. |
“Ụ đất chỉ rộng chừng 1m2 nhưng khiến gia đình tôi khốn khổ trong thời gian dài. Gần một thập niên nay, người trong nhà phải đi lại bằng ngách cửa, rộng chưa đến 1 m. Bất tiện nhiều điều, nhất là khi nhà có công việc, chưa kể mối lo về an toàn phòng cháy chữa cháy” - ông Vĩnh nói.
Cũng theo ông Vĩnh, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Vĩnh do Sở TN&MT TP Hà Nội cấp không thể hiện sự tồn tại của ụ đất, phần diện tích mà ụ đất có trên thực tế là đường đi.
Tranh chấp hơn hai thập niên
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Quang Năm, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã, cho biết khu tập thể số 8 phố Lý Nam Đế trước đây do Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng quản lý. Năm 2010, khu tập thể được bàn giao cho UBND quận Hoàn Kiếm.
Việc khiếu nại liên quan đến ụ đất giữa gia đình chủ đất cũ và hộ liền kề như trên bắt đầu xảy ra từ năm 1999. Đến năm 2014, sau khi chuyển nhượng, tranh chấp tiếp tục diễn ra giữa gia đình ông Vĩnh và hộ liền kề.
Theo ông Năm, ụ đất nằm giữa hai gia đình đã có từ khoảng 40 năm trước. Từ năm 2010 (thời điểm quận Hoàn Kiếm nhận bàn giao khu tập thể từ phía Bộ Quốc phòng) đến nay, ranh giới diện tích ụ đất không thay đổi, vẫn giữ nguyên hiện trạng.
Năm 2004, Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng từng giải quyết tranh chấp giữa chủ đất cũ và hộ liền kề về ụ đất này. Thời điểm này, hộ liền kề đề nghị chủ đất cũ lùi vào 0,5 m thì mới phá bỏ ụ đất, chủ đất cũ chỉ đồng ý lùi 0,3 m. Hai bên không thống nhất quan điểm, biên bản làm việc cũng không kết luận được phương án giải quyết, không xác định rõ ụ đất thuộc sở hữu của bên nào.
Đến năm 2017, do gia đình ông Vĩnh và hộ liền kề tiếp tục xảy ra khiếu nại, tố cáo, UBND phường Hàng Mã vào cuộc xác minh, có kết luận thanh tra. Kết luận không đề cập đến việc ụ đất là của ai nhưng cho hay “trong biên bản bàn giao khu tập thể năm 2010 cũng như sơ đồ đất của các hộ đều không thể hiện phần ụ đất”. Nghĩa là ụ đất này tồn tại trên thực tế nhưng lại không có giấy tờ pháp lý nào thể hiện.
Như vậy, nút thắt lớn nhất trong vụ việc là ụ đất thuộc sở hữu của ai, hộ liền kề cho rằng ụ đất thuộc sở hữu của gia đình thì có giấy tờ gì chứng minh không?
PV đặt câu hỏi này với lãnh đạo phường Hàng Mã, ông Năm cho biết UBND phường chưa thể có đáp án. Câu trả lời phải do phía Bộ Quốc phòng đưa ra, bởi ụ đất đã có từ thời Bộ Quốc phòng quản lý, trước khi bàn giao cho UBND quận Hoàn Kiếm.
Sẽ giải quyết triệt để tranh chấp giữa hai gia đình
Vừa qua, hộ liền kề nhà ông Vĩnh có đơn tố cáo về việc ụ đất bị một số đối tượng đập phá và đề nghị làm rõ hành vi có dấu hiệu hủy hoại tài sản. Hiện tại, Công an phường Hàng Mã đang vào cuộc xác minh.
Sau khi có kết luận của phía công an, UBND phường sẽ giải quyết triệt để tranh chấp giữa hai gia đình. Phường sẽ có văn bản đề nghị phía Bộ Quốc phòng phối hợp xử lý.
Vì ụ đất đã có từ trước thời điểm bàn giao năm 2010 nên cần phải có quan điểm của phía Bộ Quốc phòng (ụ đất là của ai, có giữ lại hay yêu cầu phá bỏ…), lúc đó mới có căn cứ để xử lý.
Ông ĐÀO QUANG NĂM,Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã