Xây nhà sát tuyến metro: Chờ hướng dẫn của UBND TP.HCM

Theo thống kê, tại TP.HCM, hiện có hơn 200 hồ sơ của người dân yêu cầu được cấp phép xây dựng nằm trong phạm vi kiểm soát xây dựng của tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, đến nay các địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vì còn vướng về thủ tục pháp lý, thẩm quyền.

Xây dựng bộ tiêu chí cấp phép xây dựng

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết năm 2014, bộ đã ban hành Thông tư 37/2014 của Bộ GTVT về phạm vi bảo vệ công trình hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị.

Theo khoản 5 Điều 4 Thông tư 37/2014, khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình hiện hữu nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị, chủ công trình phải thỏa thuận với cơ quan chủ quản tuyến đường sắt đô thị đó (với tuyến metro số 2 là Ban quản lý đường sắt đô thị MAUR) và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật. Sau đó, MAUR thống nhất hồ sơ thì đơn vị có trách nhiệm mới được cấp phép.

Đến năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 56/2018 quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định 56/2018 quy định khi xây dựng công trình, khai thác tài nguyên và tiến hành các hoạt động khác trong vùng kiểm soát xây dựng công trình khác, chủ đầu tư dự án phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và bảo đảm an toàn cho công trình hầm đường sắt. Giải pháp này phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thực hiện.

Năm 2019, Bộ GTVT đã có Văn bản số 8277 ngày 30-8-2019 hướng dẫn về thẩm quyền tổ chức hướng dẫn thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị là của UBND TP. Cụ thể, tại điểm b khoản 4 Điều 7 Luật Đường sắt năm 2017 quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, trong đó có nội dung phát triển GTVT đường sắt đô thị, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, việc lập quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Cũng theo điểm c khoản 4 Điều 7 Luật Đường sắt năm 2017, UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.

“Tuy nhiên, Nghị định 56/2018 quy định phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhưng không nói rõ là đơn vị nào. Như vậy, có thể hiểu UBND TP là nơi có thẩm quyền cao nhất và cấp phép cho những dự án này. Thế nhưng không thể mỗi dự án xin cấp giấy phép xây dựng đều phải trình TP. Do đó, UBND TP mới giao đơn vị chuyên ngành xây dựng tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đó cấp giấy phép xây dựng” - ông Bằng chỉ rõ hơn.

Hiện nay, UBND TP đã giao cho MAUR xây dựng tiêu chí về an toàn xây dựng trong phạm vi công trình trong vùng kiểm soát. Sau đó, MAUR tiến hành lấy ý kiến của các sở, ngành và Sở GTVT là đơn vị tổng hợp lại, lấy ý kiến thống nhất với các sở có liên quan để trình UBND TP phê duyệt.

Sau khi thống nhất, Sở GTVT đã có báo cáo TP về các tiêu chí an toàn xây dựng trong phạm vi công trình trong vùng kiểm soát.

Được biết, hiện nay ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã giao cho Sở Tư pháp và Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu bộ tiêu chí này. Theo đó, Sở Tư pháp sẽ đánh giá phạm vi đối tượng chịu ảnh hưởng và có ý kiến cụ thể về văn bản này. Đối với Sở Xây dựng, căn cứ vào quy định quản lý cấp phép xây dựng trên địa bàn TP và các quy định có liên quan khẩn trương xem xét, có ý kiến cụ thể về nội dung dự thảo này.

Sau khi UBND TP ban hành thì sở và các quận, huyện sẽ dựa trên các tiêu chí này để có cơ sở cấp phép xây dựng cho người dân.

Vị trí ga S7, tuyến metro số 2 đang được tích cực giải phóng mặt bằng.  Ảnh: ĐÀO TRANG

Sơ đồ tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Đồ họa: VÕ NGUYÊN

Ba trường hợp xem xét cấp phép

Theo MAUR, đến nay đơn vị đã nhận được hơn 200 hồ sơ của các đơn vị có nhu cầu xây dựng yêu cầu có ý kiến về phạm vi ảnh hưởng và giải pháp thiết kế.

Để giảm thủ tục hành chính cho người dân khi xin giấy phép xây dựng và tạo sự đồng thuận khi thực hiện dự án, MAUR đề xuất các chủ đầu tư xin cấp giấy phép thực hiện hướng dẫn các tiêu chí đảm bảo ổn định, tuổi thọ và an toàn cho công trình đường sắt đô thị, phục vụ công tác cấp phép xây dựng trên địa bàn TP.

Để có cơ sở, MAUR đã đưa ra nhiều tiêu chí để lấy ý kiến tham vấn từ tư vấn Nhật Bản NJPT. Theo đề xuất chờ phê duyệt, MAUR chia ra ba cấp xem xét cấp giấy phép xây dựng.

Cụ thể, trường hợp 1: Đối với các công trình nằm trong phạm vi kiểm soát xây dựng của tuyến metro số 2, thẩm quyền cấp phép là UBND các quận, huyện. Tuy nhiên, công trình phải thỏa mãn các điều kiện: Chiều sâu hố đào tối đa không vượt quá 2 m, số tầng của tòa nhà không vượt quá sáu, tòa nhà không có cọc móng và tầng hầm. Các đơn vị có nhu cầu xây dựng đề nghị UBND quận, huyện thực hiện cấp phép theo quy định, không cần lấy ý kiến giải pháp thiết kế của MAUR.

Trong văn bản báo cáo tiến độ tuyến metro số 1 và số 2 trình UBND TP.HCM của Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR), ba quận 1,  Tân Bình và Tân Phú đã hoàn thành 100% việc ban hành quyết định bồi thường cho người dân. Trong đó, tổng số các hộ dân nhận quyết định bồi thường đạt 97,8%.

Trong đó, tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 43,95% (265/602 trường hợp). Quận Tân Bình đã bàn giao được hai nhà ga là S10 (Phạm Văn Bạch), S11 (Tân Bình); quận 10 đã bàn giao mặt bằng S5 (Lê Thị Riêng).

Hiện các hộ dân bị ảnh hưởng đang được tích cực tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho UBND các quận. MAUR cũng đang lên các phương án di dời hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị đất sạch phục vụ thi công trong năm 2020. 

Trường hợp 2: Sở Xây dựng cấp phép cho các công trình theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định số 26/2017 của UBND TP.HCM (bao gồm các công trình cấp I, cấp II, công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử - văn hóa, công trình tượng đài; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công trình xây dựng theo tuyến nằm trên địa giới hành chính từ hai quận, huyện trở lên…) và công trình thuộc thẩm quyền của quận cấp phép nhưng không phù hợp với các tiêu trí nêu trên.

Lúc này, chủ đầu tư khi tính toán, thiết kế xây dựng công trình không xét đến sức kháng của phần đất trong vùng kiểm soát xây dựng. Đồng thời, chủ đầu tư phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và đảm bảo an toàn cho công trình hầm đường sắt.

Sở Xây dựng căn cứ trên các hồ sơ và không cần gửi công văn yêu cầu MAUR xem xét giải pháp thiết kế. Cơ quan có thẩm quyền chủ trì thẩm định thiết kế sau khi thiết kế cơ sở theo quy định cần lưu ý các hướng dẫn của MAUR.

Trường hợp 3 là công trình không thuộc đối tượng thẩm định thiết kế cơ sở của Sở Xây dựng và sở quản lý chuyên ngành của TP hoặc công trình do bộ quản lý chuyên ngành thẩm định. Lúc này, theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng sẽ rà soát hồ sơ thiết kế cơ sở đã được thẩm định, đảm bảo các yêu cầu của MAUR làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng.

Trường hợp chưa đảm bảo yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến của MAUR và cơ quan chủ trì thẩm định đối với các nội dung có liên quan, đảm bảo không ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và đảm bảo an toàn cho công trình hầm đường sắt đô thị.

MAUR cho biết các công trình xây dựng tại khu vực đã xác định được ranh mốc và vị trí dự kiến đặt nhà ga, bao gồm các tuyến đường sắt đô thị số 3a, 3b, 4, 4b, 5 và 6, thì thực hiện tương tự như đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2.

Các công trình xây dựng tại khu vực chưa xác định được ranh mốc và vị trí dự kiến đặt nhà ga, bao gồm các tuyến xe điện mặt đất số 1, tuyến đường sắt nhẹ số 2 và số 3, thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư xây dựng công trình.

Trong đó, đặc biệt lưu ý tuân thủ các quy định về chỉ giới xây dựng, khoảng lùi của công trình bao gồm cả phần công trình ngầm và nổi theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2019 và Quyết định số 26/2017 của UBND TP.HCM. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm