Các đại biểu cắt băng đưa đoàn xe buýt mới vào chạy trên tuyến 23 sáng 2-7.
Theo ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, đây là đoàn xe buýt loại trung đầu tiên đạt chuẩn mới như: kính xe phía trước, bên trong xe có bảng niêm yết tên đơn vị chạy tuyến 23, tên lái xe, tên tiếp viên và bảng giá đi suốt tuyến, giá vé với học sinh, sinh viên, giá vé tập, số đường dây nóng.
Theo ông Tạ Công Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Vinh Hiển, ngoài hộp đen, trên mỗi xe còn gắn ba camera hành trình trực tuyến.
Hành trình của tuyến dài 23,5 km và đáng lưu ý cả chiều đi và về đều hướng đến Khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng (nơi ghi dấu cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa 1940 của vùng 18 thôn vườn trầu).
Dọc theo thành xe, phía trên cửa kính bên hông có gắn bảng in logo các loại thiết bị gắn theo xe…
Bên trong xe, ngay trước mặt lái xe có một camera để quan sát tình trạng của lái xe và hành khách ngồi, đứng ở phía trước. Camera gắn phía sau giám sát động thái của hành khách, giúp tăng cường an ninh…
Ngang khu di tích này, trên đường Nguyễn Văn Bứa có trạm dừng cho khách có nhu cầu xuống tham quan.
Theo ông Phúc, do các đoạn đường từ Phạm Văn Hớn đi ngang vùng 18 thôn, mặt đường còn nhỏ, chưa tới hai làn xe cho mỗi chiều nên dịp này cơ cấu lại đoàn xe nhỏ gọn hơn.
Mỗi ngày sẽ có 170 chuyến xe của tuyến 23 đi về giữa Chợ Lớn và vùng 18 thôn. Chuyến đầu từ Bến xe Chợ Lớn chạy lúc 5 giờ, chuyến cuối chạy lúc 19 giờ 30. Chuyến đầu ở Cầu Lớn (xã Xuân Thới Sơn) chạy lúc 4 giờ, chuyến cuối lúc 18 giờ 30. Có chuyện “lệch” giờ lớn như thế nhằm phục vụ người dân các vùng Tân Thới, Xuân Thới… đi sớm, về muộn mỗi ngày.
Theo ông Phúc, từ ngày 30-6 tới hôm nay đã có gần 50 xe ở ba tuyến thuộc cụm phía Bắc TP chuyển đổi sang xe mới. Trong tháng 7 này sẽ có thêm 3-4 tuyến đi về khu vực cửa ngõ phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) và phía Nam (về quận 7, Nhà Bè) tiến hành đổi xe. Đây là cố gắng của Sở GTVT và các đơn vị vận tải trong việc sớm thay đổi hình ảnh xe buýt TP.HCM.