“Cũ nát, xộc xệch, rệu rã” là những từ nhiều người hay dùng để nói về các xe chở rác tự chế (thường là xe lam, ba gác máy cũ được “chế” thêm thùng) đang hoạt động tại các khu dân cư. Không những thế, nhiều chủ xe còn cơi nới thùng xe để chất thêm rác, tận dụng thân xe để treo móc đủ thứ vật dụng gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Xe tự chế - lựa chọn số một
Chị Đinh Thị Linh (đường Tô Ngọc Vân, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) phản ánh: “Các xe gom rác tại khu vực tôi ở phần lớn đều cũ kỹ, lại chở quá tải nên thường làm vương vãi rác và nước rỉ hôi thối ra đường. Gặp mấy xe này ai cũng phải tránh xa. Hóa ra những xe đi dọn dẹp vệ sinh lại gây ảnh hưởng đến môi trường”.
Theo ông Lê Văn Nga, Đội trưởng Đội Vận chuyển rác phường Bình Thọ (thuộc Nghiệp đoàn Công nhân vệ sinh rác dân lập quận Thủ Đức), hầu hết các đường dây rác dân lập đều sử dụng xe tự chế để vận chuyển rác. Ưu điểm của xe tự chế là chi phí rẻ, ít hao xăng, có thể len lỏi vào nhiều tuyến hẻm nhỏ và nhất là không bị hạn chế giờ lưu thông như xe tải nhẹ.
“Hiện số người chuyển đổi sang xe cơ giới chưa nhiều. Chiếc xe tải nhẹ của tôi sau khi kiểm định xong cũng được cơi nới thùng xe cao thêm 20 cm để chứa được nhiều rác hơn. Tụi tôi phải làm vậy để giảm số chuyến thu gom rác nhằm bớt chi phí xăng dầu, nhân công” - ông Nga phân trần.
Một xe chở rác tự chế, cơi nới, treo móc đủ thứ đồ lỉnh kỉnh lưu thông trên đường số 4, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Ảnh: V.HOA
Nhiều hợp tác xã (HTX) thu gom chất thải rắn ở các quận, huyện cũng chủ yếu sử dụng các loại xe tự chế cũ nát để gom rác. Cụ thể, HTX Vệ sinh môi trường Thống Nhất (quận Bình Thạnh) chỉ có sáu xe tải trong khi có tới 15 xe lam, 49 xe ba gác máy. HTX Liên Minh (quận Thủ Đức) có 31 xe cơ giới và hơn 40 xe tự chế, HXT Quyết Thắng có 74 xe ba gác…
Thu xe này, mua xe khác
Sở TN&MT TP.HCM vừa có cuộc khảo sát các HTX thu gom rác trên địa bàn. Kết quả, đa số xã viên đều thu gom rác bằng phương tiện thô sơ tự chế nên thường gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, hầu hết các phương tiện này đều đã bị cấm lưu thông nhưng những người thu gom rác vẫn chạy liều.
“Một số người trong đội của tôi đã bị công an tịch thu xe, thậm chí có người bị thu tới hai lần. Nhưng sau đó họ vẫn phải mua xe tự chế khác để chạy vì không đủ tiền mua các xe chở rác đúng quy định” - ông Lê Văn Nga cho biết.
Tiêu chí cơ bản đảm bảo về môi trường cho xe chở rác là phải kín, không phát tán rác thải và mùi hôi. Hầu hết xe thô sơ đang được sử dụng để thu gom rác đều không đáp ứng tiêu chí này. Ông LÊ TRUNG TUẤN ANH, Phó phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP |
Bà Chác cho biết thêm cơ quan chức năng cũng đã phổ biến cho xã viên các mẫu xe chở rác đúng quy chuẩn. Xe tải thì đã rõ, còn xe thùng loại 660 lít thì nhiều xã viên cho rằng phải mất nhiều sức lực hơn, năng suất lại thấp nên cũng ít được sử dụng. “Tâm lý của người thu gom rác bây giờ là ưu tiên sử dụng xe tự chế, dẫu biết là không an toàn nhưng… tới đâu hay tới đó” - bà Chác nói.
Để chấn chỉnh, Sở TN&MT đã yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã tăng cường kiểm tra hoạt động các đường dây rác dân lập; kiên quyết xử phạt việc thu gom rác không đúng quy định, làm rơi vãi rác và cơi nới thêm phương tiện. Tuy nhiên, do mức phạt còn thấp nên hiệu quả của biện pháp này chưa cao. “Nghị định 73/2010 quy định hành vi gây ảnh hưởng đến vệ sinh chung chỉ bị phạt 60.000-100.000 đồng. Do mức phạt chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn tình trạng xe rác gây bẩn đường phố” - một chuyên viên Sở TN&MT nói.
“Vẫn còn một lượng lớn xe thu gom rác không đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường đang hoạt động”. Sở TN&MT đánh giá trong báo cáo sơ kết một năm chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Theo sở này, hiện TP có hơn 200 xe tải nhỏ, gần 1.000 xe ba, bốn bánh tự chế và hơn 2.500 thùng gom rác loại 660 lít. Đa số các phương tiện đã cũ, có khoảng 45% không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, cơi nới làm rơi vãi rác, gây mất mỹ quan đô thị. |
VIỆT HOA