Chị Lê Thị Bích (ngụ quận 3) thắc mắc ngày 27-9, mưa lớn tại TP.HCM làm ngập nặng nhiều nơi, trong đó có bãi xe công ty chị bị ngập cao đã làm xe máy chị hư hỏng. Chị yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng chủ bãi xe cho rằng đây là sự kiện bất khả kháng và không chịu bồi thường.
Vậy quy định pháp luật về trường hợp này thế nào? Chủ bãi xe có trách nhiệm bồi thường không? Mưa làm ngập có phải là sự kiện bất khả kháng không?
Mưa ngập không phải là sự kiện bất khả kháng
Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết khoản 1 Điều 161 BLDS 2005 (hiện đang có hiệu lực) và cả Điều 156 BLDS 2015 (ngày 1-1-2017) cũng đều nêu rõ: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
Để một sự kiện được coi là bất khả kháng thì sự kiện đó phải xảy ra một cách khách quan, ngoài ý chí con người, không thể biết và dự đoán trước được, đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng không thể khắc phục được.
Sự kiện mưa ngập nhấn chìm bãi giữ xe cũng đã xảy ra, gần đây là trận mưa ngày 26-8. Trong báo cáo về thiệt hại, cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh xác định nước gây ngập 9 tầng hầm các căn hộ, tòa nhà trên đường Phan Xích Long khiến hơn 100 xe máy, ô tô bị ngâm sâu trong nước; trụ sở một ngân hàng ngập đến 2 m, dìm hai ô tô, 36 xe máy, hai máy phát điện... Gần hơn nữa là trận mưa làm trôi cả xe máy băng băng trên đường phố ở Thủ Đức, TP.HCM vào ngày 26-9 với diễn biến ngập lụt cũng như hệ lụy về thiệt hại là chưa tính được. |
Sau trận mưa lớn, nhiều phương tiện đã bị ngập sâu trong nước dưới hầm giữ xe. Nguồn: Internet
Mưa là hiện tượng tự nhiên, tuy nhiên có thể dự đoán và lường trước được dựa vào đặc điểm thời tiết diễn ra hằng năm. Ngập lụt trong thành phố là hệ quả sau mưa lớn hệ thống cấp thoát nước trong thành phố thoát không kịp và vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nay.
Do đó, khi kinh doanh nghề giữ xe, chủ bãi giữ xe phải có trách nhiệm khảo sát tình hình, khả năng và dự liệu các trường hợp về trộm cắp, cháy nổ, thoát nước… mà có phương án xử lý hữu hiệu, hợp lý chứ không thể đổ lỗi cho thiên tai rồi tự thấy có thể loại trừ trách nhiệm bồi thường. Như vậy, sự kiện mưa lớn gây ngập đã không thỏa mãn đặc điểm đầu tiên của sự kiện bất khả kháng là “không thể biết và dự đoán trước được”. Việc mưa lớn sẽ gây ra hiện tượng ngập, tắc đường hầu như ai sống ở Sài Gòn cũng biết và hoàn toàn có thể đoán trước.
Hai là quy định "áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể khắc phục được". Chủ các bãi xe đã lường trước là nơi mình giữ xe vẫn có khả năng bị ngập và gây thiệt hại cho xe đang giữ chưa? Vị trí các bãi giữ xe bị ngập nằm ở nơi cao hay thấp trong thành phố? Đã có phương án hay kế hoạch gì để hạn chế hay giảm thiểu thiệt hại nếu có ngập lụt xảy ra chưa?
Từ những phân tích trên cho thấy sự kiện mưa lớn gây ngập ngày 26-9 làm hỏng hàng ngàn xe máy tại các bãi xe không phải là sự kiện bất khả kháng như theo luật quy định.
Có thể kiện đòi bồi thường
Xét về mối quan hệ giữa chủ bãi giữ xe và người gửi xe máy, hai bên đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản, trong đó bên gửi xe trả tiền, bên giữ xe có trách nhiệm bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho chủ xe.
Mặc dù thực tế, các bãi giữ xe và người gửi không tiến hành ký kết hợp đồng bằng văn bản mà chủ yếu là giao kết bằng miệng hoặc ngầm hiểu người có xe có đến bãi là để gửi xe, bằng chứng của giao kết gửi giữ là phiếu giữ xe nên theo quy định của pháp luật đây là hợp đồng gửi giữ tài sản hợp pháp.
Điều 559 BLDS 2005 (hay Điều 554 BLDS 2015) cũng đều quy định: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.
Khi được giao trông giữ, nghĩa vụ của bên giữ là phải bảo đảm cho chiếc xe vẫn còn tính nguyên vẹn và vẫn còn sử dụng được cho đến khi trả lại cho chủ.
Trong trường hợp này chủ bãi xe đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình là bảo quản giữ gìn, mà đã để tài sản được gửi bị hư hại một số bộ phận do để xe ngập trong nước mưa, lỗi của bên giữ là lỗi vô ý, đã không có phương án xử lý, dự phòng mà để mặc kệ cho nó xảy ra.
Hơn nữa, như phía trên đã phân tích, đây không phải là sự kiện bất khả kháng nên không loại trừ trách nhiệm của chủ bãi xe. Do vậy, chủ bãi xe có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên gửi xe theo khoản 4 Điều 563 BLDS 2005 (hoặc khoản 4 Điều 557 BLDS 2015 nếu các vụ việc diễn ra sau ngày 1-1-2017).
Bên gửi xe có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại căn cứ vào khoản 2 Điều 561 BLDS 2005 (hoặc khoản 2 Điều 556 BLDS 2015) “Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.
Xe hơi ngập trong hầm sau trận mưa. Nguồn: Internet
Mức bồi thường là bao nhiêu?
Điều 302 BLDS 2005 và Điều 360 BLDS 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Như vậy, mức bồi thường sẽ dựa trên mức thiệt hại thực tế phát sinh, tuy nhiên các bên vẫn có thể tự thỏa thuận mức phù hợp, hai bên chấp nhận được.
Thời hiệu khởi kiện
Về thời hiệu khởi kiện (nếu việc đàm phán thương lượng không thành) thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu khởi kiện trong vòng hai năm kể từ ngày bị thiệt hại.
Như vậy, người bị thiệt hại có thể yêu cầu tòa án giải quyết ngay bây giờ thì áp dụng BLDS 2005 hoặc để sau ngày 1-1-2017 thì áp dụng BLDS 2015 để giải quyết.
Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM (H.YẾN ghi)