Xích lô phố cổ Hội An 'rón rén' trở lại sau đại dịch

UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định mở cửa thí điểm đón khách du lịch trong và ngoài nước từ tháng 11-2021. Nhiều hoạt động du lịch đã mở cửa trở lại trong đó có hoạt động của nghiệp đoàn xích lô Hội An. Tuy nhiên, cuộc sống du lịch Hội An vẫn chưa trở lại như trước.

Nghiệp đoàn xích lô văn hóa thành phố Hội An sau mấy tháng trời ròng rã nghỉ dịch, dần rón rén hoạt động trở lại.

Góc ngã tư Bạch Đằng- Châu Thuận Văn, anh Cưỡng tranh thủ đánh một giấc khi phố Hội ế khách.

Anh Tân, đồng nghiệp anh Cưỡng, cho biết, lúc cao điểm, Nghiệp đoàn có 102 thành viên. Giờ mở cửa trở lại, mỗi ngày khoảng 4-5 xe ra đường, có thì đi không thì ngồi nói chuyện với nhau cho đỡ buồn.

Cũng theo anh Tân, khách nội địa chỉ lác đác nên thu nhập bữa có bữa không. “Hai năm trước mùa ni khách tranh nhau chạy. Giờ ngồi ngó như ri. Đúng là dịch dã”.

“Có khách”! Tiếng ông Thọ xích lô, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô văn hoá Hội An, gọi với những người đồng nghiệp. Anh Cưỡng vội choàng tỉnh, dắt chiếc xích lô ra đường chờ chở khách. Những vị khách có chuyến thăm quan 3 tuyến đường chính của phố cổ với gồm Bạch Đằng – Trần Phú – Nguyễn Thái Học với giá 120.000 đồng.

Các bác tài rất chuyên nghiệp khi sẵn sàng chụp cho du khách nhiều bức ảnh ưng ý trước khi xuất phát. “Mình phải học mỗi thứ mỗi ít, tiếng Anh, tiếng Hán, tiếng Nhật, chụp ảnh… để có thể làm hài lòng du khách”, anh Cưỡng chia sẻ.

Quảng Nam là 1 trong những địa phương thí điểm đón khách du lịch nước ngoài và vào đầu tháng 11/2021 đã đón đoàn khách quốc tế đầu tiên. Tuy vậy, hiện du khách đến Hội An chủ yếu là người Quảng Nam, Đà Nẵng.

Vừa chở khách đi dạo một vòng phố cổ Hội An, ông Thọ vừa giới thiệu như một Hướng dẫn viên thực thụ. "Tấm bảng ni ghi lại mực nước lũ lịch sử năm 2009 cao hơn 3 mét so với mặt đường", ông Thọ chỉ cho một du khách. Ông giới thiệu mình tên là Đinh Văn Phước, Phó chủ tịch nghiệp đoàn, tên thường gọi là Thọ xích lô.

Theo ông, Nghiệp đoàn xích lô của thành phố có chủ tịch, các phó chủ tịch, chia tổ để hoạt động. Mỗi tổ khoảng 25 thành viên được trang bị đồng phục để nhận diện. Tham gia nghiệp đoàn, hội viên đóng hội phí 100.000 đi/tháng. Đối với tiền đóng góp của hội viên, nghiệp đoàn dùng chi chăm lo cho các thành viên như: ma chay, cưới hỏi, học bổng cho con em, Tết thiếu nhi, trung thu,…

Ngoài việc chở khách du lịch, Nghiệp đoàn xích lô còn có một nhiệm vụ rất đặc biệt: Chở người dân phố cổ đi cấp cứu do trong phố cổ xe hơi không được vào. 20 năm lái xích lô trong phố cổ, ông Thọ đã tham gia cấp cứu hàng chục ca bệnh nặng, người già hấp hối, tai nạn, cả chở bà đẻ. Có những bệnh nhân già cả, không đi lại được, ông cũng vào phụ cùng người thân cõng họ ra xe chở đi cho kịp giờ.

Ông bảo: Cứu người là việc cấp bách phải làm, không ai tính toán giá cả thiệt hơn. Tiền bạc mình cần nhưng cứu người quan trọng hơn, người nhà cho bao nhiêu bao thì nhận, không thì thôi. Phục vụ là chính.

Lúc chưa có dịch, thu nhập cao điểm một ngày của anh Cưỡng là hơn 500.000 đồng/ngày. Số tiền này giúp anh cùng vợ đủ trang trải cuộc sống của gia đình 5 người và có một khoản tiết kiệm. Từ khi dịch bùng phát, anh nghỉ làm, ở nhà phụ cha làm dịch vụ mai táng để lo cho gia đình nhỏ của mình (một vợ, ba con đang học lớp 2-3-6). Anh Cưỡng mới trở lại chạy xích lô từ ngày 23-12-2021.

Anh Cưỡng cho hay nhiều ngành dịch vụ tại Hội An cũng điêu đứng theo dịch. Hội An là thủ phủ du lịch, từng đón đến 5,35 triệu lượt khách du lịch trong đó có hơn 4 triệu lượt khách quốc tế.

Những dãy phố im lìm dù đang là cao điểm du lịch cuối năm. 

Hội An đang trải qua những ngày khó khăn nhưng anh Tân vẫn tin rằng khi đại dịch qua đi, Hội An sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn du khách từ khắp nơi trên thế giới và trong nước. Xong cuốc xe họ lại về chỗ cũ, đợi đón những vị khách mới đến với Hội An....

Xích lô luôn gắn liền với hình ảnh phố cổ Hội An. Đại dịch Covid-19 đã và đang cuộc sống du lịch ở Hội An đảo lộn nhưng rồi khi dịch qua đi, du khách tìm về với phổ cổ, họ vẫn sẽ được ngắm phố cổ yên bình trên những chuyến xích lô của những bác tài yêu Hội An bằng cả cuộc đời…

Video: Quán cơm 0 đồng của cụ bà 70 tuổi
Video: Quán cơm 0 đồng của cụ bà 70 tuổi
(PLO)- Bà Nguyễn Thị My, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM đã 70 tuổi nhưng hằng ngày bà vẫn nấu những suất cơm với mệnh giá 0 đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm