Sau màn lập kỷ lục thế giới của hai nghệ sĩ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, vượt qua 50 nghệ sĩ của 11 quốc gia, ngày 8-1 mới đây, hai nghệ sĩ trẻ của Việt Nam đã được trao chiếc HCB duy nhất của Liên hoan xiếc quốc tế Golden Circus diễn ra tại Rome, Ý.
Xe cứu thương và cái chết chờ sẵn
Trong liveshow xiếc cá nhân đầu tiên của mình, cũng là liveshow xiếc cá nhân đầu tiên ở Việt Nam vào cuối năm 2016, hai nghệ sĩ trẻ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp đã nhắc đến cái chết, nỗi lo sợ và tính sẵn cái chết trong quá trình tập luyện, biểu diễn. Dẫu vậy, bất chấp hai người vợ trẻ đang mang bầu sắp sinh con đầu lòng, hai nghệ sĩ xiếc này vẫn làm liveshow. Đêm diễn ra liveshow, xe cứu thương chờ sẵn bên ngoài sân khấu. Khán giả thì nhắm mắt, bật khóc, cầu nguyện vì những màn biểu diễn quá sức mạo hiểm của hai anh em như chồng đầu lên nhau đi trên các bậc thang, nhảy cao hơn 1 m…
Liên tục đoạt huy chương đẳng cấp
Hơn bảy năm qua, các nghệ sĩ xiếc của Việt Nam liên tục đạt được những HCV, HCB, HCĐ, các giải đặc biệt ở các liên hoan xiếc quốc tế.
Năm 2010, lần đầu tiên xiếc Việt Nam giành được HCV quốc tế tại Liên hoan xiếc quốc tế lần 3 ở Albacete, Tây Ban Nha cho tiết mục “Đu siêu nhân” do dàn diễn viên trẻ tám người của Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn. Tháng 9-2012, tại Liên hoan xiếc quốc tế Almaty, Kazakhstan, hai tiết mục “Đu chồng đầu” của diễn viên Hoàng An - Thu Hiệp và “Thăng bằng trên dây thép chùng” của diễn viên Thu Hiền (Đoàn Xiếc TP.HCM) đều đạt HCV. Đoàn Việt Nam chiếm hai trong số ba HCV của liên hoan, đạt thành tích cao nhất trong chín quốc gia tham gia liên hoan, trong đó có Pháp, Đức, Mỹ, Nga...
Diễn viên trẻ đã trật tay té từ trên cao xuống ở tiết mục đu dây trong buổi diễn phúc khảo Xiếc Halloween vào cuối tháng 10-2016. Ảnh: H.BÌNH
Năm 2013, tiết mục “Sức mạnh đôi tay” của hai diễn viên Quốc Cơ, Quốc Nghiệp đã đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan xiếc quốc tế Monte Carlo. Năm 2014, tiết mục “Đu dây quan họ” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đoạt HCV tại Liên hoan xiếc quốc tế lần 30 tại Ý. Năm 2015, tại Liên hoan xiếc quốc tế Golden Circus diễn ra tại Rome, Ý, tiết mục “Lăn vòng nghệ thuật - Chiến binh dũng cảm” do các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn đã giành HCB. Tiết mục “Quay khung nghệ thuật” do nghệ sĩ Đức Thành biểu diễn giành giải Khán giả yêu thích nhất. Mới đây nhất, ngày 8-1-2017, cũng tại liên hoan này, tiết mục “Tạo hình trên dây da” của hai nghệ sĩ Thái Văn và Thu Hiền đã giành HCB. Tiết mục “Đế thống” của Việt Nam được lựa chọn vào biểu diễn phục vụ Đức Giáo hoàng Francis tại Vatican… Hẳn rất ít khán giả Việt Nam biết rằng hằng năm các nghệ sĩ xiếc của Việt Nam đều đi lưu diễn dài hạn khắp nơi trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đài Loan…
Khổ luyện hằng ngày, thu nhập không tương xứng
Nghệ sĩ Bích Liên của Đoàn Xiếc TP.HCM, từng đoạt HCV quốc tế và HCV trong nước, cho biết làm nghề này tập luyện cực nhọc nên bất cứ diễn viên nào cũng mắc bệnh nghề nghiệp, bị các bệnh xương khớp, thoái hóa cột sống khi lớn tuổi.
Với nghề xiếc, tai nạn là chuyện không thể tránh khỏi. Cuối tháng 10-2016, ngay trong buổi biểu diễn phúc khảo chương trình Xiếc Halloween, một diễn viên trẻ đã trật tay té từ trên cao xuống ở tiết mục đu dây. Khán giả, quan khách nhốn nháo, lo sợ, diễn viên nằm ngay đơ trên sân khấu. Vậy nhưng các nghệ sĩ xiếc khác rất điềm nhiên. Họ tìm các dụng cụ băng bó, nẹp chân và chườm túi lạnh chống đau cho nghệ sĩ bị nạn. Họ nói: “Có gì đâu, ai mà chẳng té như vậy hoài, hồi tự động ngồi dậy à”. Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Xuân Đông, từng đoạt HCV Liên hoan xiếc quốc tế Hà Nội, bộc bạch: “Một tiết mục, nghệ sĩ bộ môn khác có thể tập trong vài tháng, vài tuần hay vài ngày nhưng một nghệ sĩ xiếc phải tập có khi mất vài năm. Nghệ sĩ xiếc ngày nào cũng phải tập luyện. Không tập thì người mình cứng lại, độ bền và sức dẻo dai không còn để biểu diễn. Một nghệ sĩ xiếc dù vui hay buồn, mệt hay khỏe, chỉ cần sơ sẩy một chút xíu, mất tập trung một chút xíu là tai nạn xảy ra liền. Tôi từng chỉ sơ sót một chút nên bị té từ trên cao xuống, chấn thương nhẹ thôi nhưng không tài nào khỏi được, cứ đến khi chuyển mùa là vết thương lại đau nhức”.
Xuân Đông còn cho biết thu nhập hiện nay của cô cũng chỉ đủ sống bình thường, không thiếu thốn nhưng chẳng thể dễ dàng mua nhà, mua xe như những ca sĩ, diễn viên trẻ khác đồng độ tuổi 9X. Thu nhập không cao, tuổi thọ nghề lại ngắn, chỉ trong khoảng 10-20 năm tùy tiết mục, vậy nhưng hỏi vì sao chọn và vẫn theo đuổi nghề xiếc, mọi nghệ sĩ xiếc đều chung một câu trả lời: đó là sự đam mê và tình yêu nghề đích thực.
Nghệ sĩ THÙY TRANG, Đoàn Xiếc TP.HCM: Sự khổ luyện và ý chí ngang bằng nghệ sĩ thế giới Với xiếc thì cần có lòng dũng cảm và sự chịu khó khổ luyện. Điều đó chỉ phụ thuộc vào nghị lực, ý chí, kỹ năng của con người chứ không phụ thuộc vào máy móc công nghệ nên nghệ sĩ xiếc Việt Nam chẳng thua kém nghệ sĩ xiếc thế giới. Cũng do xiếc đòi hỏi sự dũng cảm và khổ luyện như thế nên chấp nhận theo nghề xiếc là chúng tôi chấp nhận sự nguy hiểm tính mạng hay tai nạn bất cứ lúc nào. |